Đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar đàm phán tiếp cận bà Suu Kyi
Nhà ngoại giao Brunei được bổ nhiệm làm đặc phái viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Myanmar hôm thứ Bảy (4/9) cho biết ông vẫn đang đàm phán với quân đội nước này về các điều khoản của chuyến thăm và tìm cách tiếp cận nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Thứ trưởng Ngoại giao của Brunei Erywan Pehin Yusof được chỉ định làm Đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar - Ảnh: Straitstime
Bài liên quan
Đặc phái viên ASEAN muốn toàn quyền tiếp cận tại Myanmar
ASEAN chọn nhà ngoại giao Brunei làm đặc phái viên tại Myanmar
Mỹ bác bỏ kế hoạch bầu cử của Myanmar, thúc giục ASEAN gây sức ép
ASEAN đã cố gắng chấm dứt bạo lực ở Myanmar và mở ra một cuộc đối thoại giữa các nhà cầm quyền quân sự và các đối thủ của họ sau vụ lật đổ bà Suu Kyi vào tháng Hai.
Sau một thời gian thảo luận, vào tháng 8, ASEAN đã giao nhiệm vụ cho ông Erywan Yusof, Thứ trưởng Ngoại giao của Brunei, phụ trách các nỗ lực này.
"Hiện tại tôi có nhu cầu cấp bách phải đến Myanmar. Nhưng tôi nghĩ trước tất cả những điều đó, tôi cần phải có sự đảm bảo", ông Erywan nói. "Tôi cần có một bức tranh rõ ràng về những gì tôi phải làm, những gì họ sẽ cho phép tôi làm khi tôi đến thăm".
Thứ trưởng Ngoại giao Brunei Erywan muốn đến thăm Myanmar trước cuối tháng 10 khi các nhà lãnh đạo ASEAN nhóm họp, nhưng hiện vẫn chưa ấn định được ngày cụ thể cho chuyến đi này.
"Họ chưa đưa ra một điều kiện nào cũng như chưa thể hiện quan điểm rõ ràng về điều đó", ông nói.
Ông Erywan cho biết, các yêu cầu tìm cách tiếp cận bà Suu Kyi đã được đưa ra Hội đồng Hành chính Nhà nước, do Thống tướng quân đội Min Aung Hlaing chủ trì. Nhưng việc tiếp cận nhà lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi không phải là một yêu cầu theo thỏa thuận 5 điểm mà ASEAN đã đạt được vào tháng 4, ông nói thêm.
Ông Erywan vẫn chưa ấn định được ngày cụ thể cho chuyến thăm Myanmar đầu tiên - Ảnh: Reuters
Sự đồng thuận bao gồm việc chấm dứt bạo lực và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên.
"Đó là điều mà tôi đã nói với các nhà chức trách hiện tại ở Myanmar, tôi cần phải nói chuyện với tất cả các bên liên quan và điều đó vẫn đang được đàm phán", Erywan cho biết.
Cũng theo ông Erywan, các cuộc tham vấn của ông với quân đội và các bên khác trên thực địa đang "tiến triển khá tốt".
Hiện ông đang tìm cách thành lập một nhóm cố vấn để hỗ trợ vai trò phái viên của mình. Nhóm nghiên cứu có thể bao gồm các nước láng giềng của Myanmar, bao gồm Ấn Độ và Bangladesh.
Hồi tháng 2/2021, quân đội Myanmar đã tiến hành đảo chính khi cáo buộc có những bất thường trong cuộc bầu cử mà đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi giành chiến thắng vào tháng 11 năm 2020. Ủy ban bầu cử khi đó và những người theo dõi quốc tế cho rằng những cáo buộc của quân đội là sai.
Các nhà chức trách quân đội Myanmar cho rằng việc lật đổ chính quyền của họ không nên được gọi là một cuộc đảo chính vì nó phù hợp với hiến pháp.