Đặc phái viên Hàn Quốc tới Nhật Bản thảo luận các vấn đề về Triều Tiên
Ngày 12/9, đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc Noh Kyu-duk đã khởi hành đến Nhật Bản để tham gia các cuộc hội đàm 3 bên và song phương với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản về các vấn đề Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới trước khi khởi hành từ sân bay quốc tế Incheon, ông Noh Kyu-duk nói: “Tôi kỳ vọng những cuộc hội đàm sắp tới sẽ là 1 bước đi hiệu quả nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”.
Trong chuyến công du kéo dài 3 ngày, đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp 3 bên với những người đồng cấp Mỹ và Nhật Bản - lần lượt là ông Sung Kim và ông Takehiro Funakoshi để thảo luận về những biện pháp tăng cường phối hợp chính sách tái can dự với Triều Tiên giữa lúc xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng tái khởi động một lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutoni.
Theo quan chức ngoại giao Hàn Quốc, các cuộc hội đàm sẽ tập trung vào các vấn đề chính, gồm viện trợ nhân đạo và các biện pháp khuyến khích khác để thúc đẩy Triều Tiên quay trở lại đối thoại, trong bối cảnh nước này gặp nhiều khó khăn kinh tế và chịu những ảnh hưởng tiêu cực do phải đóng cửa biên giới để phòng ngừa đại dịch Covid-19 lây lan.
Ông Noh Kyu-duk nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất lúc này là bắt đầu các cuộc đàm phán với Triều Tiên. Hiện đã có những tiến bộ đáng kể trong các cuộc thảo luận về việc Hàn Quốc và Mỹ cùng thực hiện các dự án hợp tác nhân đạo hỗ trợ Triều Tiên".
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, ông Noh Kyu-duk cũng có kế hoạch gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Funakoshi trong ngày 13/9 và người đồng cấp Mỹ Sung Kim vào ngày 14/9.
Chuyến đi này của đặc phái viên hạt nhân Hàn Quốc được thực hiện ngay sau chuyến công tác của đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim tới Seoul, thảo luận về biện pháp phối hợp để khởi động các cuộc đàm phán bị đình trệ với Bình Nhưỡng.
Quan chức Washington khẳng định Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ gần gũi giữa Washington và Seoul nhằm giải quyết các vấn đề Triều Tiên thông qua ngoại giao và can dự, bao gồm cả trong lĩnh vực hỗ trợ nhân đạo.