Đặc phái viên LHQ: Quân đội Myanmar bất ngờ vì biểu tình, thách thức lệnh trừng phạt
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc (LHQ) Christine Schraner Burgener cho biết quân đội quân đội Myanmar dường như bất ngờ với làn sóng biểu tình của những người phản đối đảo chính, nhưng vẫn tỏ thái độ thách thức trước nguy cơ bị dội lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Đặc phái viên về Myanmar – bà Burgener cho biết trong cuộc trao đổi với Phó Tổng tư lệnh Soe Win, bà đã cảnh báo ông rằng quân đội nước này có khả năng phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, cô lập từ một số quốc gia để đáp trả cuộc đảo chính.
“Câu trả lời của ông ấy là: Chúng tôi đã quen với việc bị trừng phạt. Và chúng tôi vẫn sống sót. Khi tôi cảnh báo rằng họ có thể sẽ bị cô lập, câu trả lời của ông ấy là: Vậy thì chúng tôi phải làm quen với việc chỉ có một vài người bạn”, đặc phái viên Burgener nói với các phóng viên ở New York.
Các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu, đã ban hành hoặc đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt lên quân đội Myanmar và các đối tác kinh doanh.
Hội đồng Bảo an LHQ đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng khẩn cấp của Myanmar. Nhưng sau đó, cơ quan này ngừng lên án cuộc đảo chính vì sự phản đối của Nga và Trung Quốc, những người quốc gia coi diễn biến hiện tại là công việc nội bộ của Myanmar.
Về Trung Quốc và Nga, bà Schraner Burgener nói: “Tôi hy vọng họ nhận ra rằng đó không chỉ là vấn đề nội bộ mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.”
Cũng theo bà Burgener, quân đội Myanmar “muốn có một cuộc bầu cử khác sau một năm”.
“Nhưng rõ ràng, theo quan điểm của tôi, quân đội Myanmar đang muốn điều tra những người thuộc đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi để tống họ vào tù. Cuối cùng, NLD sẽ bị cấm. Và lúc đó, quân đội sẽ tổ chức một cuộc bầu cử mới với khả năng giành chiến thắng cao. Sau đó, họ có thể tiếp tục nắm quyền.”
Bà Schraner Burgener cho biết bà tin rằng “quân đội Myanmar rất bất ngờ trước các cuộc biểu tình phản đối đảo chính”.
“Myanmar có những người trẻ, đã sống tự do suốt 10 năm. Họ có mạng xã hội, họ biết cách tổ chức và rất quyết tâm. Họ không muốn quay trở lại chế độ độc tài và bị cô lập.”
Lần cuối cùng bà Burgener nói chuyện trực tiếp với ông Soe Win là vào ngày 15/2. Hiện, bà đang tiếp tục trao đổi với quân đội bằng văn bản.
Thông tin trên được đặc phái viên Burgener đưa ra sau khi bà thông báo rằng đã có ít nhất 38 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở Myanmar hôm thứ Tư, 3/3, nâng tổng số người thiệt mạng vì đụng độ sau đảo chính ở nước này lên hơn 50 người.