Đặc phái viên Liên hợp quốc báo cáo 38 người tử vong trong 1 ngày tại Myanmar
Đặc phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Myanmar - Christine Schraner Burgener báo cáo ít nhất 38 người đã tử vong khi quân đội nước này mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình.Đặc phái viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Myanmar - Christine Schraner Burgener báo cáo ít nhất 38 người đã tử vong khi quân đội nước này mạnh tay trấn áp các cuộc biểu tình.
Hàng nghìn người biểu tình ở thị trấn và các thành phố ở Myanmar trong suốt 4 tuần qua. Lực lượng an ninh đã phải sử dụng súng bắn đạn thật và hơi cay để khống chế diễn biến bạo loạn trong những ngày gần đây.
"Hôm nay là ngày tang thương nhất kể từ khi cuộc chính biến Myanmar nổ ra vào ngày 1/2. 38 người đã chết trong tổng số hơn 50 người kể từ sau cuộc đảo chính và thêm nhiều người bị thương", Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener cho biết tại New York ngày 3/3.
"Khoảng 1.200 người đã bị giam giữ. Thậm chí nhiều người còn không rõ người thân của họ đang bị giam giữ ở đâu", Burgener nói thêm.
"Mọi biện pháp đưa ra đều được xem là cần thiết để khống chế diễn biến bạo loạn tại Myanmar. Chúng ta cần phải có sự thống nhất của cộng đồng quốc tế cũng như các biện pháp đúng đắn của các quốc gia thành viên để đối phó với diễn biến hiện tại", bà Christine Schraner Burgener nhấn mạnh.
Lãnh đạo các nước trên thế giới cũng đã kêu gọi quân đội Myanmar tôn trọng các quy định của luật pháp.
"Việc sử dụng vũ lực gây sát thương và bắt giữ tùy tiện những người biểu tình ôn hòa là không chấp nhận được", người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên tiếng vào ngày 28/2, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế gửi tín hiệu rõ ràng tới quân đội Myanmar: "hãy tôn trọng ý chí của người dân thông qua bầu cử".
Trước đó, theo CNN, bài phát biểu của Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc - Kyaw Moe Tun đã mang đến tràng pháo tay hiếm hoi khi ông kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn việc đàn áp những người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ.
Giáo hoàng Pope Francis cũng lên tiếng cho rằng tình hình chính biến ở Myanmar đang xấu đi, đồng thời kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị nước này và chấm dứt tình trạng bạo lực.
"Tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có hành động để khát vọng của người dân Myanmar không bị dập tắt bởi bạo lực và giới trẻ ở quốc gia này có cơ hội hy vọng vào một tương lai tươi sáng", Giáo hoàng Pope Francis lên tiếng.