Đặc sắc lễ hội đất cội nguồn

PTĐT - Là nơi ra đời của Nhà nước và kinh đô Văn Lang - Kinh đô đầu tiên của nước Việt Nam, Phú Thọ có kho tàng tri thức dân gian phong phú về mỹ thuật, nghề thủ công, y học, ẩm thực... và đặc sắc hơn cả là các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn dân tộc.

Nếu không ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Đền Hùng hằng năm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, thu hút sự quan tâm của rất nhiều bà con, du khách.

Nếu không ảnh hưởng của dịch COVID-19, Lễ hội Đền Hùng hằng năm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, thu hút sự quan tâm của rất nhiều bà con, du khách.

Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Từ xa xưa, câu ca dao: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba” đã in sâu trong tâm khảm của những người con đất Việt. Câu ca như lời nhắc nhở của bậc tiền nhân gửi tới các thế hệ “con Rồng, cháu Tiên” luôn nhớ về cội nguồn dân tộc, nhớ ngày giỗ Tổ về thắp nén hương thơm tri ân công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước - khởi dựng nên non sông gấm vóc Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm được tổ chức tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng, trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm trọng thể theo truyền thống văn hóa dân tộc, có nghi thức dâng hương hoa của các đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các tỉnh thành...Phần hội tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú xung quanh chân núi Hùng. Người dân ở địa phương có di tích (đình, đền, miếu...) thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử liên quan thời kỳ Hùng Vương tự nguyện tổ chức hoạt động tế lễ, rước kiệu về Đền Hùng, chuẩn bị các lễ vật từ đặc sản của địa phương để dâng cúng các Vua Hùng, tham gia các hoạt động văn hóa dân gian.Đặc biệt, không chỉ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đền Hùng, tại các di tích thờ Hùng Vương, danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trong cả nước và nước ngoài, vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch cũng đều đồng loạt tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Điều này cũng thể hiện rõ nét nhất Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam.Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Bá Khiêm - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cho biết: Đặc sắc nhất của lễ hội đất cội nguồn chính là Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Bất kỳ người Việt Nam ở đâu đều tự hào là con lạc cháu hồng, sinh ra từ bọc trăm trứng, có Vua Hùng là Thủy Tổ của dân tộc. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ đó, giúp hình thành ý thức cộng đồng, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, cùng nhau chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển…

Diễn trò trình nghề tại Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Diễn trò trình nghề tại Lễ hội Trò Trám, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao.

Lễ hội Trò Trám và tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệpMột lễ hội rất đặc sắc ở đất cội nguồn, thể hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được bảo tồn và duy trì thu hút sự quan tâm của đông đảo bà con, du khách đó là Lễ hội Trò Trám - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao. Lễ hội Trò Trám từ xa xưa được định kỳ tổ chức vào 2 ngày: 11 và 12 tháng Giêng. Theo đó, ngày 11 tháng Giêng, bắt đầu từ khoảng giữa giờ Tuất (8 giờ tối) đến nửa đêm có nghi lễ tế nữ thần bản thổ, cầu khấn cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, sinh lực dồi dào, làng xóm đông vui, sầm uất, gia đình hạnh phúc, con đàn cháu đống và lễ mật, hay còn gọi là lễ “Linh tinh tình phộc” - một dạng của lễ cầu sinh thực khí, nghi lễ linh thiêng nhất trong năm của người dân xóm Trám để cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho con người và vạn vật. Lễ mật được tiến hành vào nửa đêm (giờ Tý), là giờ khắc thiêng liêng. Ngày 12 tháng Giêng, vào giờ Thìn (8h sáng) dân làng tổ chức nghi lễ rước lúa thần và biểu diễn trò “Tứ dân chi nghiệp”. Trò trình nghề “Tứ dân chi nghiệp” mô phỏng các nghề của địa phương trong xã hội phong kiến với 4 nghề cơ bản là Sĩ, nông, công, thương, vì vậy còn được gọi là trò “Bách nghệ khôi hài” bởi tính hài hước, độc đáo của trò diễn thể hiện trong lời ca và lối trình diễn hài hước chọc cười. Trong trò “Tứ dân chi nghiệp” nội dung phồn thực xuyên suốt các lớp diễn, được thể hiện mộc mạc và hóm hỉnh với các vai diễn đều nhún nhảy điệu nghệ mang dáng vẻ hài hước của lễ hội phồn thực. Lễ hội Trò Trám là lễ hội đặc sắc của người Việt không chỉ ở Phú Thọ mà còn ở vùng Trung du Bắc Bộ, mang giá trị văn hóa cổ truyền và dấu ấn của nền văn minh lúa nước mà những nghi lễ, tập tục, trò diễn ẩn chứa nét văn hóa nguyên thủy trong đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp truyền thống; mang đậm tín ngưỡng phồn thực…

Miếu Trò - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao nơi diễn ra Lễ hội Trò Trám hằng năm.

Miếu Trò - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao nơi diễn ra Lễ hội Trò Trám hằng năm.

Ông Nguyễn Đình Luận - Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã cho biết: Các tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thành hoàng làng, tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước trong Lễ hội Trò Trám đều được duy trì từ thời phong kiến cho đến ngày nay. Điều này đã tạo cho lễ hội Trò Trám sự hấp dẫn riêng biệt nên tuy chỉ là lễ hội của làng, nhưng âm vang của nó lan tỏa khá rộng, từ phạm vi một vùng đến phạm vi cả nước, thu hút du khách thập phương trong cả nước và cả kiều bào nước ngoài cũng về tham dự. Vì vậy, ngày 21 tháng 11 năm 2016, Lễ hội Trò Trám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL.Tự hào về những lễ hội, những nét văn hóa đặc sắc của quê hương, mỗi người dân Đất Tổ cũng luôn cố gắng và nỗ lực không ngừng, không chỉ đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống mà còn luôn quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị và truyền thống để những lễ hội sẽ luôn sống mãi trong cộng đồng.

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/den-hung/202104/dac-sac-le-hoi-dat-coi-nguon-176457