Đặc sắc Lễ hội sâm Ngọc Linh

Lễ hội nhằm xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước.

Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh trong chương trình khai mạc lễ hội.

Lễ rước biểu tượng sâm Ngọc Linh trong chương trình khai mạc lễ hội.

Tối 1/8, tại xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), UBND huyện Nam Trà My tổ chức khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 6 với chủ đề “Ngọc Linh – Mãi mãi tự hào”.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh trên thị trường trong và ngoài nước, giới thiệu đến du khách các nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi Nam Trà My.

Sự kiện cũng là dịp kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ môi trường rừng; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các hoạt động chính của Lễ hội sâm Ngọc linh gồm: Lễ rước biểu tượng Sâm Ngọc Linh; Chương trình Khai mạc lễ hội; Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và Dược liệu miền núi; Hội thi trình diễn Cây Nêu; Công bố biểu trưng huyện Nam Trà My và Quyết định công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia “Tri thức dân gian về khai thác, trồng và chế biến Sâm Ngọc Linh - huyện Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam”; Hội thi Sâm Ngọc Linh trên sân khấu; Tổ chức thi các gian hàng ẩm thực miền núi; Tổ chức các trò chơi dân gian có thưởng; Hội thi dân vũ…

 Các cây sâm Ngọc Linh có giá trị cao tại Lễ hội.

Các cây sâm Ngọc Linh có giá trị cao tại Lễ hội.

Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, là loại dược liệu quý hiếm, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada...

Bên cạnh đó, sâm Ngọc Linh cũng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất trong số những loại cây trồng hiện nay, đặc tính của nó chỉ sống được ở dưới tán rừng tự nhiên, nên việc trồng sâm Ngọc Linh còn giúp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sống...

Theo ông Bửu, để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và triển khai thực hiện tốt Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, xứng đáng với tầm vóc sản phẩm quốc gia; cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của địa phương, từng bước thoát khỏi huyện nghèo, UBND huyện Nam Trà My cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh gốc.

Địa phương không du nhập các loại giống sâm khác; phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng, buôn bán sâm giả Ngọc Linh, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam.

 âm Ngọc Linh cũng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất trong số những loại cây trồng hiện nay.

âm Ngọc Linh cũng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất trong số những loại cây trồng hiện nay.

Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp luật liên quan trong việc trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh; đẩy mạnh sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, góp phần làm tăng giá trị của cây dược liệu quý này…

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch diện tích vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh là 15.567 ha tại huyện Nam Trà My. Tổng diện tích cho thuê môi trường rừng để trồng Sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My đến nay là 1.428ha.

Ngoài ra, còn có 2 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, bảo vệ vườn sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.

Hoàng Vinh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dac-sac-le-hoi-sam-ngoc-linh-post694080.html