Đặc sản bốn phương tụ hội về TP HCM
Nhiều địa phương như Lào Cai, Quảng Ninh chưa tham gia ký kết hợp tác với TP HCM cũng chủ động gửi công văn mong muốn tham gia
Hàng trăm doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh trên khắp cả nước đã mang đủ loại đặc sản vùng miền đến giới thiệu và kết nối giao thương tại Tuần lễ sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm đặc trưng các vùng - miền và công nghệ sản xuất - bảo quản - chế biến nông sản năm 2024. Sự kiện khai mạc vào lúc 8 giờ sáng nay, 6-11, tại Công viên Văn hóa Lê Thị Riêng (đường Cách mạng Tháng Tám, quận 10, TP HCM).
Từ lần đầu tổ chức "cháy hàng"
Đây là sự kiện lớn diễn ra tại TP HCM nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP HCM với 38 tỉnh, thành năm 2024; tôn vinh thành tựu của ngành nông nghiệp và khẳng định vai trò của TP HCM là cầu nối hiệu quả, kênh quảng bá, liên kết tiêu thụ quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp của các vùng trong cả nước.
Ông Phạm Quang Hợi, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP HCM, Phó thường trực Ban Tổ chức Tuần lễ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng các vùng - miền và công nghệ sản xuất - bảo quản - chế biến nông sản năm 2024, thông tin sau thành công của sự kiện năm ngoái, ban tổ chức đã nâng quy mô và số ngày tổ chức tuần lễ. "Năm ngoái, sự kiện tổ chức trong 3 ngày với khoảng 78.000 lượt khách tham quan, có gian hàng chỉ ngày thứ 2 đã hết hàng. Tổng kết cả 3 ngày, doanh số các gian hàng đạt 4 tỉ đồng với khoảng 80% hàng hóa trưng bày được bán trực tiếp tới người tiêu dùng. Đây là doanh số rất lớn đối với ngành hàng nông sản. Ngoài ra, còn khoảng 72 hợp đồng được ký kết, mỗi hợp đồng từ 100 triệu đồng đến 7 tỉ đồng" - ông Hợi thông tin.
Do hiệu quả từ hoạt động này mà nhiều địa phương như tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh chưa tham gia ký kết hợp tác với TP HCM cũng chủ động gửi công văn mong muốn tham gia; huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) liên hệ để có không gian trưng bày các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu của huyện.
Theo ông Hợi, sự kiện có 324 DN, HTX của TP HCM và các tỉnh, thành tham gia trưng bày sản phẩm. Riêng sản phẩm OCOP có khoảng 660 sản phẩm, trong đó có 21 sản phẩm 5 sao từ khắp các vùng miền.
Theo danh sách được công bố, vùng Tây Nguyên có các sản phẩm như: thịt bò một nắng, mật ong, cà phê bột, ca cao, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo, hạt mắc ca rang hồng ngoại, sâm dây Ngọc Linh, rượu nho rừng; vùng Bắc và Bắc Trung Bộ có: tỏi đen, thịt xông khói, bún miến chùm ngây, bánh đa nem, giò bê; vùng duyên hải miền Trung có: bún song thần, rượu Bầu Đá, chả ram tôm đất, chả cá, đậu phộng, sầu riêng sấy, kem sầu riêng; tỉnh Lào Cai mang đến nhiều đặc sản mới lạ chế biến từ cá hồi, thịt trâu gác bếp, gạo Séng Cù, khâu nhục...
Theo ông Hợi, năm nay, Sở NN-PTNT TP HCM phối hợp Sở Công Thương TP HCM, UBND huyện Cần Giờ tổ chức không gian trưng bày yến Cần Giờ với các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm định, từng bước nâng thương hiệu yến sào Cần Giờ.
Phải tăng cường quảng bá
Yến sào là một trong những đặc sản của TP HCM, tập trung tại huyện Cần Giờ với sản lượng khoảng 20 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng yến sào của cả nước nên việc xây dựng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh là điều rất cần thiết.
Bà Phan Ngọc Diệu, Phó giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ Yến Đảo Cần Giờ (TP HCM), cho biết gian hàng của DN năm nay sẽ đầu tư chỉn chu và đa dạng hàng hóa để phục vụ khách hàng. DN hiện đã có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao và đang tiếp tục làm hồ sơ để được cấp chứng nhận cho nhiều sản phẩm mới. Bà Diệu thông tin thêm bên cạnh các sản phẩm truyền thống như: yến tổ, yến hũ, DN còn có nhiều sản phẩm mới như: cà phê sữa yến collagen, cháo yến, thạch yến với giá bán khá mềm để phù hợp với số đông người tiêu dùng. "Người tiêu dùng mua yến sào rất kỹ tính nên các sản phẩm có các chứng nhận OCOP sẽ giúp người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng" - bà Diệu chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Diệu kiến nghị cần tiếp tục hỗ trợ quảng bá thêm thương hiệu OCOP bởi các chủ thể OCOP thường không mạnh về vấn đề này. "Để có được chứng nhận này, các chủ thể phải vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng một bộ phận người tiêu dùng vẫn chưa nhận diện được nên cần truyền thông mạnh hơn để người tiêu dùng hiểu rõ hơn và ủng hộ. Bởi lẽ, mỗi sản phẩm OCOP mang giá trị văn hóa vùng miền, giúp phát triển sinh kế người dân địa phương" - bà Diệu đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), cho biết trên địa bàn tỉnh có vùng dược liệu quý với nhiều loại như: ngũ vị tử, đẳng sâm, sơn tra, mật ong... và nổi tiếng nhất là sâm Ngọc Linh.
Theo ông Quang, với đặc điểm là mặt hàng dược liệu có giá trị cao và người tiêu dùng lo lắng về hàng giả nên các chương trình tôn vinh, giới thiệu, quảng bá của nhà nước tổ chức rất có hiệu quả, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, các đối tác. Trong những lần tham gia hội chợ tại TP HCM, các DN, HTX báo cáo có hiệu quả cao khi kết nối được nhiều khách hàng mới. "TP HCM là thị trường lớn của sản phẩm dược liệu nên khi biết thông tin về sự kiện, chúng tôi đã đăng ký để các DN và HTX trên địa bàn mang sản phẩm đến quảng bá, giới thiệu với người tiêu dùng và các nhà phân phối. Hiện nhiều sản phẩm từ dược liệu của huyện Tu Mơ Rông đã đạt chứng nhận OCOP" - ông Quang thông tin.
Mở cửa miễn phí trong 5 ngày
Theo ban tổ chức, sự kiện mở cửa tự do cho công chúng từ 8 giờ đến 22 giờ hằng ngày, kết thúc vào ngày 10-11. Người dân có cơ hội dùng thử sản phẩm miễn phí nhiều loại đặc sản, dược liệu quý và có nhiều ưu đãi khi mua sắm tại sự kiện.
Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện sẽ có chương trình Mega Live "Tuần lễ sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền" trên nền tảng TikTok và Shopee với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung (KOL/KOC) như: Min Mặn Mòi, Đường Lâm Tú Tú, Phan Yến Nhi, Tuyền Saphia... với khoảng 100 nhà bán các sản phẩm OCOP hay đặc sản vùng miền. Các chủ thể OCOP sẽ được tư vấn mở gian hàng online cũng như cách vận hành trên các sàn thương mại điện tử.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dac-san-bon-phuong-tu-hoi-ve-tp-hcm-19624110521484233.htm