Đặc sản Đà Lạt ngọt ngào từ những phụ nữ Kơ Ho
Khoai lang dẻo là một trong những đặc sản thu hút mạnh du khách mỗi khi họ đến thành phố Đà Lạt. Làm nên thứ thức ăn nhiều dinh dưỡng hàng đầu này là bàn tay những sơn nữ Kơ Ho của xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt.
Chủ tịch UBND xã Tà Nung Lê Quang Húy cho tôi biết, 6 tháng đầu năm 2019, trong tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã hơn 171 ha thì diện tích khoai lang mật chiếm số lượng lớn nhất, với 80 ha. Một trong những thành viên của Tổ liên kết khoai lang dẻo (Tổ liên kết) thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, chị Cơ liêng K’Jớt cho biết, với 80 ha này, tổng sản lượng mỗi vụ thu được 2.400 tấn khoai tươi, đạt trung bình khoảng 400 kg khoai dẻo. Nếu đảm bảo các kỹ thuật, bình quân mỗi sào khoai lang mật cho sản lượng 1,5 tấn; đạt lãi sau chi phí trên dưới 15 triệu đồng/vụ.
Chị Nguyễn Thị Cẩm Sương là Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Nung kể rằng, sản phẩm khoai lang dẻo Tà Nung vốn có từ rất lâu, nhờ điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi của địa bàn xã. Tuy nhiên, trước đây chỉ là hình thức tự phát, sản xuất manh mún và buôn bán nhỏ lẻ. Hiệu quả kinh tế không cao do năng suất, chất lượng và giá cả đều thấp. Nhận thấy hướng đi nâng cao sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc Kơ Ho, tháng 5/2018, Hội LHPN xã triển khai khảo sát đất đai và cùng chính quyền địa phương vận động các hộ dân mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau màu, trong đó có khoai lang. Đây cũng là phương thức kinh nghiệm truyền thống của nhà nông “khoai đất lạ mạ đất quen” để luân canh giữa hoa màu với cây trồng khác, nhất là tái canh cây cà phê. Tháng 10/2018, Tổ liên kết của Hội được thành lập với 10 hội viên phụ nữ Kơ Ho từ 18 đến 50 tuổi Thôn 3 làm nòng cốt. Mô hình tạo nên mối liên kết chặt chẽ giữa các hộ để giúp đỡ, hỗ trợ nhau từ kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch đến chế biến, bán sản phẩm... Nhờ vậy, sản lượng ổn định, chất lượng và giá bán đều nâng lên.
Với sự hội đủ nhiều điều kiện: địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, kinh nghiệm sản xuất, chế biến và cung ứng,...; mô hình Tổ liên kết của phụ nữ Kơ Ho Tà Nung ngày càng khẳng định vị thế. Các ngành quan tâm, đặc biệt Hội LHPN thành phố Đà Lạt hỗ trợ một máy hút chân không trị giá 10 triệu đồng. Hội LHPN xã tạo điều kiện cho Tổ vay 10 triệu đồng từ vốn phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế để sửa lò sấy; hầu hết các thành viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội... Chị K’Jớt nói: Ngoài hội viên, các thành viên trong gia đình cũng tham gia như chồng làm đất, tưới nước, bón phân, xịt thuốc,... con cái tham gia gọt vỏ, phân loại khoai,... Cùng với đất trồng không phải thuê, những yếu tố này làm nên giá thành khoai lang dẻo của Tà Nung thấp so với các vùng khác trong tỉnh. Sản phẩm khoai lang dẻo cũng không còn qua trung gian khi vào thị trường. Mô hình đã đưa thu nhập ổn định, bình quân những hội viên làm thường xuyên trong Tổ 5 triệu đồng/tháng. Các hộ khác trong xã có khoai lang bán cho Tổ từ 13.000 đồng - 18.000 đồng/kg tươi cũng nhờ thế trở thành nguồn thu nhập chính.
Điều càng đặc biệt của khoai lang dẻo Tà Nung được cả 2 vị chủ tịch UBND xã và Hội LHPN xã tự hào đó là chất lượng “cả nước biết đến”, nhờ đặc điểm địa lý. Chủ tịch Lê Quang Húy cho biết, hàng tuần vào mùa vụ, Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Nung ký cung ứng cho công ty tại thành phố Hà Nội từ 5-7 tấn khoai lang tươi. Mô hình khoai lang dẻo Tà Nung để lại dấu ấn tại Đại hội các dân tộc thiểu số thành phố Đà Lạt lần thứ III, tháng 6/2019. Bài thuyết trình Đề tài “Sản xuất khoai lang dẻo Tà Nung” sau khi vượt qua vòng thi “Ý tưởng khởi nghiệp” của Hội LHPN thành phố Đà Lạt tiếp tục lọt vào vòng chung kết cấp tỉnh, bởi không chỉ diễn đạt ngôn từ mà hơn thế tính cuốn hút bằng chính hiệu quả khả thi. Cuộc thi diễn ra cuối tháng 6/2019, do Chi hội trưởng Phụ nữ Da Cát K’Jan (sinh năm 1987, đại biểu trẻ nhất Đại hội Hội LHPN thành phố Đà Lạt nhiệm kỳ 2016 - 2021) trình bày. Tôi thực sự ngạc nhiên về những nội dung được chị trình bày, rất logic và thuyết phục. Từ mục tiêu đến đánh giá thị trường, khách hàng, giá cả và đặc biệt là điểm mới của sản phẩm/dịch vụ.
Chủ tịch Hội LHPN xã Nguyễn Thị Cẩm Sương cho biết, những thành quả đạt được đã và đang trở thành động lực lớn để sản phẩm khoai lang dẻo Tà Nung xúc tiến lên cấp độ mới. Đó là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Phòng Kinh tế thành phố đã trực tiếp thẩm định vào tháng 7/2019 về đất đai, giống,...; xã đang tích cực hoàn thành các điều kiện cần và đủ, trong đó, Tổ liên kết là đầu mối để nhân rộng. Khoai lang dẻo Tà Nung sẽ có tên thương hiệu, có “giấy khai sinh” cho một đặc sản Đà Lạt. Đây cũng là sự phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố Đà Lạt theo Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng đặc sản Đà Lạt” vừa được UBND tỉnh phê duyệt. Khoai lang dẻo Tà Nung đang góp phần khẳng định sự năng động của người phụ nữ Kơ Ho trên con đường “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.