Đặc sản đảm bảo an toàn thực phẩm của 56 tỉnh, thành đang 'hội tụ' về Thủ đô dịp cuối năm
Những ngày này, khi Tết Giáp Thìn 2024 đã rất gần, đặc sản ở các vùng miền trên cả nước đang cùng 'hội tụ' về Hà Nội để giới thiệu, quảng bá nhằm kích cầu tiêu dùng. Điều kiện tiên quyết là các đặc sản phải rõ về nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cuối năm là thời điểm vàng "để" quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thực phẩm là đặc sản vùng miền, nhằm kích cầu tiêu dùng.
Bởi vậy, Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2023 tổ chức tại Hà Nội đã và đang hội tụ đặc sản các địa phương.
Thông tin tới phóng viên, đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội (đơn vị chủ trì tổ chức tại Royal City) cho biết, hội chợ là dịp để doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng và tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô.
Đây cũng là cơ hội để các nhà phân phối tìm kiếm, lựa chọn nguồn cung cấp hàng hóa phù hợp... Bởi vậy, điều kiện tiên quyết đối với sản phẩm thực phẩm là phải rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức ưu tiên sản phẩm đã xuất khẩu, sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp phù hợp với xu thế tiêu dùng (quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm địa phương).
Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, hội chợ có quy mô 287 gian hàng với hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp đến từ 56 tỉnh, thành phố tham dự, trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương.
Trong đó có nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Đây là sự kiện được người tiêu dùng chờ đợi để tham quan, mua sắm, trải nghiệm nét văn hóa các vùng miền của nước ta ngay tại Thủ đô.
Tại hội chợ, các tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia tổ chức "Gian hàng đặc sản"; trưng bày, giới thiệu những sản phẩm đặc trưng, đặc sản...
Theo đó, người tiêu dùng Thủ đô có thể tìm được những đặc sản nổi tiếng của các vùng, miền trong cả nước như bánh chè được làm từ những cây trà cổ thụ San tuyết hàng trăm năm của vùng Tây Bắc, hạt cà phê Tây Nguyên thơm mùi nắng gió, tỏi Lý Sơn, hay xoài cát Hòa Lộc, tiêu Phú Quốc, cua Cà Mau…
Hòa mình vào dòng khách đến tham quan và mua sắm tại Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam năm 2023, bà Nguyễn Thị Hân (ở Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết, những món đặc sản tại hội chợ rất ngon, rõ nguồn gốc mà giá cả hợp lý.
Đại diện lãnh đạo TT Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023 đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển và khẳng định vai trò sự kiện xúc tiến thương mại uy tín, có tính lan tỏa của Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức nhằm thực hiện các chương trình hợp tác của thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, với tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước"; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương;
Hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp phân phối trong, ngoài nước với các doanh nghiệp sản xuất, tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm bền vững tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các đơn vị tham gia không ngừng đổi mới, sáng tạo cả về hình thức, quy mô và chất lượng sản phẩm tham gia hội chợ.
Theo Ban tổ chức, Hội chợ năm nay đã diễn ra an toàn, hiệu quả nhờ ưu tiên chọn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chỉ dẫn địa lý Việt Nam, sản phẩm đặc sản nổi tiếng của mỗi địa phương; sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức ưu tiên sản phẩm đã xuất khẩu, sản phẩm mới, sáng tạo, bao bì đẹp phù hợp với xu thế tiêu dùng (quy tụ được các sản phẩm chỉ dẫn địa lý, sản phẩm địa phương).
Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam tiếp tục khẳng định là cầu nối quan trọng giữa nhà sản xuất - nhà phân phối - người tiêu dùng, là kênh quảng bá hiệu quả cho các sản phẩm đặc sản Việt Nam, là ngày hội đặc sản của cả nước tập trung về Thủ đô.