Đặc sản miền Trung vào vụ tết
Nhiều làng nghề truyền thống ở miền Trung đang tất bật vào mùa sản xuất, chuẩn bị những đặc sản tươi ngon, mới lạ phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ 2025.
Lan tỏa hương vị miền Trung
Qua khỏi cổng chào thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), hương đậu, dừa từ xưởng sản xuất bánh dừa nướng của Công ty TNHH Mỹ Phương Food đã thơm lừng. Bên trong xưởng, công nhân tất bật không ngơi tay để kịp các đơn hàng phục vụ thị trường tết và xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Văn Tân, đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food, tết năm nay, công ty chuẩn bị 2 dòng sản phẩm mới gồm bánh dừa nướng Topcoco phối hợp các loại hạt giàu dinh dưỡng và phiên bản bánh dừa Cocool vị trái cây. Những sản phẩm mang đến người thưởng thức một hành trình khám phá hương vị đa dạng, từ vị béo ngọt của dừa tươi, thơm bùi của hạt đến sự tươi mát của trái cây nhiệt đới. Từ sản phẩm đến bao bì tái hiện hình ảnh mộc mạc, thôn quê với biểu tượng hoa mai, chim hạc thể hiện đậm nét văn hóa Tết Việt. Dự kiến, tết năm nay, sản lượng của công ty tăng 30%-50% so với những tháng trong năm.
Năm nay, cơ sở Mộc Truly Huế ở TP Huế (Thừa Thiên Huế) lần đầu tiên trình làng sản phẩm mứt gừng phục vụ thị trường Tết Ất Tỵ được thực hiện từ công nghệ sấy lạnh. Bà Phạm Thị Diệu Huyền, chủ cơ sở Mộc Truly Huế, chia sẻ, ngày tết, người Huế vẫn có thói quen tiếp đãi nhau bằng dĩa mứt gừng với tách trà nóng.
Với công nghệ sấy lạnh, mứt gừng không chỉ mềm dẻo, giữ được hương vị và màu sắc tự nhiên mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Dù trải qua nhiều công đoạn mới có được mẻ mứt gừng ngon nhưng khâu quan trọng nhất là chọn nguyên liệu gừng. Gừng phải là loại gừng không quá non, không quá già được thu hoạch trên vùng đất đồi pha sỏi ở ngã ba Tuần, nơi 2 nhánh tả và hữu của con sông Hương gặp nhau. Đây là nét đặc trưng riêng của mứt gừng Huế.
Từ khi cơ sở sản xuất Ngũ cốc Hương Nguyên (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Ngãi, khách hàng tìm đến ngày càng đông. Thấy được nhu cầu này, chị Nguyễn Thị Hường, chủ cơ sở sản xuất Ngũ cốc Hương Nguyên đã nhập hơn 2 tấn nguyên liệu, nghiên cứu, thay đổi mẫu mã sản phẩm tết, chú trọng đầu tư sản phẩm quà tết.
Mở rộng kênh bán, kiểm soát chất lượng
Theo bà Trương Thị Thu Hường, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi, năm nay, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, cuối năm và tết là thời điểm các doanh nghiệp “bung sức”. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đang đẩy mạnh nhập nguyên liệu mới, thay đổi mẫu mã sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiềm năng để tiếp cận người tiêu dùng. Các đơn vị cũng chú trọng quảng bá sản phẩm trên nhiều nền tảng trực tuyến.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng, cho biết, Đà Nẵng đã triển khai chương trình kích cầu mua sắm tạo điều kiện để người dân, du khách tiếp cận hàng hóa dịch vụ chất lượng với giá phù hợp đến hết tháng 1-2025. Trong dịp tết, chương trình kích cầu được lồng ghép tại các hội chợ xuân, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại, du lịch... Qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng.
Thừa Thiên Huế là điểm du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn du khách, đồng thời có nhiều hệ thống giao thông chính ngang qua nên các đối tượng thường lợi dụng để vận chuyển hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng,… nhất là trong dịp tết. Do đó, các đơn vị quản lý thị trường của tỉnh đã tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo chất lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Ất Tỵ sắp tới.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dac-san-mien-trung-vao-vu-tet-post775205.html