Đặc sản trong mâm cỗ ở Phú Thọ 'nhìn tưởng bánh trôi', ăn mềm thơm, dễ gói phần

Được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc, cách thưởng thức cũng chẳng cần cầu kỳ nhưng đây lại là đặc sản thường xuất hiện trong mâm cỗ của người dân ở Phú Thọ (mới), ăn vừa ngon lại dễ gói phần.

Bánh hòn là món ăn dân dã mang đậm bản sắc ẩm thực của vùng đất Vĩnh Phúc (nay là tỉnh Phú Thọ), đặc biệt phổ biến tại thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên (nay là xã Bình Nguyên) và xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương (nay là xã Hội Thịnh).

Không chỉ hiện diện trong bữa ăn hàng ngày, món bánh này còn trở thành đặc sản không thể thiếu trên mâm cỗ vào các dịp lễ Tết, cưới hỏi hay giỗ chạp của người dân địa phương, thể hiện tình cảm và sự chu đáo của gia chủ khi đãi khách.

Bánh hòn là một trong những đặc sản thường xuất hiện trong mâm cỗ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: @Maioanhhanu

Đúng như tên gọi, bánh hòn có vẻ ngoài giống bánh trôi, bánh chay nhưng phần vỏ làm từ bột gạo tẻ thay vì dùng bột nếp. Bánh hơi tròn, to cỡ quả chanh.

Nhân bánh làm từ mỡ hành và thịt băm, mộc nhĩ. Khi ăn, thực khách cảm nhận được độ béo ngậy, vị đậm đà và dậy mùi thơm hấp dẫn.

Thực đơn mâm cỗ cưới tại Vĩnh Phúc có bánh hòn. Ảnh: Mai Quỳnh Anh

Thực đơn mâm cỗ cưới tại Vĩnh Phúc có bánh hòn. Ảnh: Mai Quỳnh Anh

Chị Nguyễn Thúy – chủ 1 cơ sở làm bánh hòn ở huyện Bình Xuyên (nay là xã Bình Nguyên, tỉnh Phú Thọ mới) cho biết, trước đây, bánh hòn ở đây chủ yếu được làm thủ công trong gia đình để phục vụ cho các dịp lễ quan trọng hoặc đãi khách.

Tuy nhiên, ngày nay, món ăn này trở nên phổ biến hơn, không chỉ người dân địa phương mà thực khách gần xa cũng yêu thích, tìm mua về ăn hoặc làm quà biếu.

“Để đáp ứng nhu cầu sử dụng, hiện một số nơi như xã Hợp Thịnh (nay là xã Hội Thịnh), thành phố Phúc Yên (nay là phường Phúc Yên) còn thành lập tổ sản xuất và nhận đặt bánh hòn cho các dịp lễ, tiệc cưới xuyên tỉnh”, chị Thúy chia sẻ.

Bánh hòn dễ ăn và dễ gói để chia phần. Ảnh: Mai Quỳnh Anh

Bánh hòn dễ ăn và dễ gói để chia phần. Ảnh: Mai Quỳnh Anh

Theo kinh nghiệm của chị Thúy, để làm bánh hòn chuẩn vị phải chọn gạo tẻ ngon như gạo Khang Dân hoặc gạo Tám Xoan. Hai loại gạo này có độ dẻo vừa phải, khi làm bánh không bị quá khô hay quá nát.

Gạo tẻ đem vo kỹ, đãi sạn, ngâm nước khoảng 3 - 4 giờ rồi vớt ra, rửa thêm lần nước nữa cho sạch hẳn rồi để ráo. Sau đó, người ta nghiền gạo thành bột mịn, sờ mát tay, nếu không có máy thì có thể giã thủ công bằng cối đá rồi rây lấy phần bột.

Bột thu được phải làm bánh ngay. Bột được đun trong nồi gang, phải khuấy đều tay đến khi bột sánh lại thì đổ ra mâm, rưới thêm chút nước nóng rồi nhào mạnh đến khi tay không dính bột là được.

Bánh hòn có vỏ làm từ bột gạo tẻ, nhân gồm thịt băm, mộc nhĩ, mỡ hành. Ảnh: Man Nguyen

Bánh hòn có vỏ làm từ bột gạo tẻ, nhân gồm thịt băm, mộc nhĩ, mỡ hành. Ảnh: Man Nguyen

Nhân bánh hòn được chế biến đơn giản bằng cách xào sơ hỗn hợp thịt băm, hành lá, mộc nhĩ rồi nêm nếm gia vị vừa ăn. Cũng có nơi, người ta sử dụng nhân sống, ướp gia vị và trộn đều rồi nhồi nhân chứ không cần xào sơ qua để làm chín.

“Thịt làm nhân nên chọn phần thịt vai, vừa mềm, vừa có cả nạc cả mỡ, khi chế biến sẽ có độ béo ngậy, mềm mọng, ăn không bị khô”, chị Thúy cho hay.

Đến công đoạn nặn bánh, người ta ngắt lượng bột vừa đủ, dàn mỏng rồi cho nhân thịt vào giữa, khéo léo nặn rồi viên thành hình tròn, làm sao để nhân không lộ ra ngoài, khi hấp bánh không bị vỡ, hở.

Khi nặn, người dân địa phương thường bôi chút mỡ lợn (hoặc dầu ăn) lên tay để bột bánh không dính vào tay, làm giảm chất lượng món ăn.

Bánh hòn có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh tối đa 3 ngày. Khi ăn, chỉ cần hấp lại bánh trong nồi cơm điện hoặc chõ hấp để giữ độ mềm dẻo. Không nên dùng lò vi sóng vì sẽ làm bánh bị cứng, khô. Ảnh: Thảo Trinh

Bánh hòn có thể bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh tối đa 3 ngày. Khi ăn, chỉ cần hấp lại bánh trong nồi cơm điện hoặc chõ hấp để giữ độ mềm dẻo. Không nên dùng lò vi sóng vì sẽ làm bánh bị cứng, khô. Ảnh: Thảo Trinh

Bánh hòn nặn xong sẽ được đem đi hấp. Từng lớp bánh được xếp dần vào chõ (hoặc xửng) đang bốc hơi nước nóng nghi ngút. Đậy vung cho lớp bánh dưới lên da non mới xếp tiếp lớp bánh khác lên trên.

Đun nhỏ lửa đến khi nồi bánh dậy mùi thơm, mở vung ra thấy những hòn bánh ngả màu trắng trong tức là bánh đã chín.

Ở địa phương, ngoài phục vụ trong mâm cỗ dịp lễ Tết, giỗ chạp hay cưới hỏi, bà con còn kết hợp bánh hòn với cháo se, tạo thành món ăn ngon, lạ miệng mà rất hợp vị.

Có dịp ghé thăm Vĩnh Phúc, du khách có thể mua và thưởng thức bánh hòn tại các khu chợ truyền thống. Ảnh: Diệp Kim Tiến

Có dịp ghé thăm Vĩnh Phúc, du khách có thể mua và thưởng thức bánh hòn tại các khu chợ truyền thống. Ảnh: Diệp Kim Tiến

Có dịp thưởng thức bánh hòn khi tham dự đám cưới của một người bạn ở Vĩnh Phúc, Thùy Chi (Hà Nội) khá bất ngờ về món khai vị độc đáo nơi đây.

Theo quan sát của chị Chi, mỗi mâm cỗ thường bày sẵn 1-2 hộp bánh hòn, mỗi hộp khoảng 20 chiếc. Khi thưởng thức, người ta chấm bánh với nước mắm pha loãng giống nước mắm chấm bánh cuốn.

“Khi bày biện sẵn trên mâm cỗ, bánh hòn bị nguội đi nhưng ăn vẫn ngon. Phần vỏ bánh mềm, có độ săn, còn nhân đậm đà, béo ngậy, cảm giác có chút giống với bánh tẻ”, Chi kể.

Nữ du khách cũng tiết lộ, khi ngồi vào mâm cỗ, người dân thường không ăn bánh hòn ngay mà để dành gói phần mang về cùng 1 vài món quen thuộc khác như xôi, thịt gà luộc, tôm chao…

“Bánh hòn dễ ăn, cắn vừa miệng. Hôm đó, mình còn được bạn tặng cho 1 hộp bánh mang về, cảm giác rất thích vì được trải nghiệm thêm món đặc sản thú vị khi ăn cỗ quê”, 9X chia sẻ thêm.

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dac-san-trong-mam-co-o-phu-tho-nhin-tuong-banh-troi-an-mem-thom-de-goi-phan-2416304.html