Đặc sản vùng, miền 'hút' thực khách

Nắm bắt được nhu cầu khách hàng, hiện nay, nhiều cửa hàng, trang mạng kinh doanh đặc sản vùng, miền nhanh chóng ra đời và thu hút đông đảo người tiêu dùng.

Bánh tráng nướng Đà Lạt là món ăn đường phố khá hút khách

Bánh tráng nướng Đà Lạt là món ăn đường phố khá hút khách

Giờ đây, chẳng cần phải lên tận Đà Lạt, người tiêu dùng vẫn có thể dễ dàng mua được các loại nông sản, đặc sản chính hiệu tại một số cửa hàng, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Chủ cửa hàng Đà Lạt Food (phường 2, TP.Tân An) cho biết, cửa hàng chủ yếu kinh doanh các mặt hàng bánh, kẹo, trái cây và nông sản Đà Lạt. Mặc dù giá thành của các loại rau, củ, quả, trái cây Đà Lạt cao hơn ở các địa phương khác khoảng 20% nhưng nhiều khách hàng vẫn lựa chọn.

Nhắc đến “xứ sở ngàn hoa”, các thực khách không thể bỏ qua món bánh tráng nướng trứ danh. Xuất hiện tại Long An đã lâu, bánh tráng nướng Đà Lạt trở thành món ăn vặt được nhiều người yêu thích, kể cả người lớn tuổi. Bánh tráng nướng được tạo nên chỉ bằng vài nguyên liệu đơn giản như bánh tráng, thịt bằm, trứng cút (hoặc trứng gà), hành lá, hành phi, xúc xích, tôm khô, tương ớt,...

Tùy vào sở thích của khách hàng mà người làm sẽ cho thêm những nguyên liệu khác. Sau khi trộn đều các nguyên liệu cơ bản, anh Nguyễn Sơn Minh (phường 3, TP.Tân An) đặt bánh tráng lên bếp than, liên tục đảo đều đến khi các nguyên liệu chín. Anh Minh chia sẻ: “Tôi học lỏm cách làm bánh tráng nướng trong lần đi chơi tại Đà Lạt. Nhận thấy sức hút của món ẩm thực đường phố này nên tôi quyết định kinh doanh món ăn này.

Về Long An, bánh được "biến tấu" một ít so với bản gốc nhưng vẫn giữ được độ giòn, các nguyên liệu bên trong hòa quyện thơm ngon”. Thông thường, bánh có giá dao động từ 10.000-20.000 đồng/cái. Tuy nhiên, tùy theo kích cỡ và các loại nhân bên trong mà bánh sẽ có mức giá khác nhau.

Bánh tét Trà Cuôn được bán trên các trang mạng xã hội

Bánh tét Trà Cuôn được bán trên các trang mạng xã hội

Kinh doanh đặc sản vùng, miền online nhiều năm nay, chị Võ Thị Bích Vân (phường 1, TP.Tân An) cho biết: “Khó nhất của kinh doanh đặc sản vùng, miền là phải tìm được nguồn cung cấp hàng chất lượng. Khi tìm đến đặc sản vùng, miền, khách hàng thường không đặt nặng vấn đề giá cả, chủ yếu mặt hàng đó phải ngon và chuẩn vị. Chẳng hạn như giá bán khá cao từ 100.000 - 120.000 đồng/đòn nhưng bánh tét Trà Cuôn (tỉnh Trà Vinh) vẫn rất được khách hàng yêu thích. Bánh được hút chân không nên bảo đảm giữ được độ ngon”.

Cũng theo chị Vân, sức hút của bánh tét Trà Cuôn được tạo nên từ yếu tố màu sắc và hương vị. Bánh có màu sắc bắt mắt được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như trái gấc, lá rau ngót,... Hương vị thơm ngon của bánh là sự kết hợp hài hòa của nếp, thịt, mỡ, đậu xanh, trứng muối,... và công thức gia truyền.

Xuất hiện tại Long An cách đây vài năm, món bún đậu mắm tôm làm "say lòng" không ít thực khách. Chị Trần Nguyễn Kim Thanh (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi ăn bún đậu mắm tôm là khi đi du lịch ở Hà Nội. Sau đó, tôi có thưởng thức lại món ăn này tại TP.HCM. Do khẩu vị từng vùng nên món ăn cũng thay đổi cho phù hợp. Các cửa hàng kinh doanh món ăn này nở rộ tại Long An vài năm trở lại đây. Ngoài bún và đậu, món ăn này còn được ăn cùng thịt bắp, chả cốm, lòng heo, dồi chiên, rau sống, dưa leo,... Quan trọng nhất vẫn là phần nước chấm, nước chấm phải được pha vừa ăn”.

Thời gian qua, đặc sản vùng, miền khá "hút" khách. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh mua phải hàng nhái, hàng kém chất lượng, người tiêu dùng cần cẩn thận lựa chọn những điểm bán hàng uy tín, có thương hiệu./.

Nguyễn Dung

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dac-san-vung-mien-hut-thuc-khach-a130902.html