Đại án Bình Dương: Người dân đầu tư vào 2 khu 'đất vàng' có cơ hội được nhận lại tiền
Tại phiên tòa ngày 17/8, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương Phạm Văn Hiền cho biết, đối với khu đất 43 ha, các bên liên quan đã họp và thống nhất xin trả lại tiền chênh lệch cho nhà nước, còn đối với khu đất 145ha, sẽ hoàn trả khu đất cho Tỉnh ủy và Tỉnh ủy hoàn trả tiền vốn góp tại thời điểm góp vốn.
Ngày 17/8, phiên tòa xét xử bị cáo Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy; Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnhBình Dương cùng 26 bị cáo liên quan đến vụ án "đất vàng" Bình Dương, tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương là chủ sở hữu, tất cả tài sản của Tổng Công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu Nhà nước.
Với vai trò là chủ sở hữu, trên cơ sở quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, Tỉnh ủy Bình Dương cũng đã ban hành các quy định để quản lý.
Đồng thời cùng UBND tỉnh Bình Dương thực hiện trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật để bảo toàn vốn, tài sản, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương.
Tuy nhiên, các bị cáo đã có những hành vi sai phạm dẫn đến Nhà nước bị thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.
Tháng 4/2020, Công an tỉnh Bình Dương có quyết định tạm giữ đồ vật tài liệu đối với 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (khu đất 43ha) của Công ty Tân Phú.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng đề nghị ngăn chặn các hoạt động liên quan đến quyền sử dụng khu đất 43 ha và 145 ha liên quan đến vụ án này.
Tại phiên tòa, khi được hỏi về quan điểm 2 khu đất 145 ha và 43 ha, ông Phạm Văn Hiền, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương (đại diện Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương với vai trò những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), cho biết, các ô đất đều nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh, là nơi khẳng định hình ảnh, thương hiệu của tỉnh Bình Dương.
Sau khi phát hiện các sai phạm liên quan đến 2 khu đất nêu trên, Tỉnh ủy Bình Dương đã có rất nhiều văn bản xin được khắc phục hậu quả. Cùng với đó, các doanh nghiệp liên quan cũng đã họp thống nhất xin trả lại các phần vốn góp, trả lại giá trị tài sản của Nhà nước.
"Đối với khu đất 43 ha, các bên liên quan cũng đã họp và thống nhất xin trả lại tiền chênh lệch cho nhà nước để đảm bảo không để tài sản bị thất thoát, nhưng vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật. Trong trường hợp phải đấu giá lại, quan điểm của Bình Dương là đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, đúng quy định của pháp luật"- ông Hiền nêu rõ.
Liên quan đến khu đất 145 ha, giữa Tỉnh ủy Bình Dương, Văn phòng Tỉnh ủy, Công ty Tân Thành và các cá nhân, pháp nhân góp vốn có văn bản thống nhất sẽ hoàn trả khu đất cho Tỉnh ủy và Tỉnh ủy hoàn trả tiền vốn góp tại thời điểm góp vốn.
Đại diện Công ty Tân Thành cho biết sẽ tôn trọng quyết định của tòa và giữ nguyên quan điểm trả lại dự án cho Tỉnh ủy, đồng thời mong muốn Hội đồng xét xử xem xét đến quyền lợi của cổ đông và các bên liên quan khi đầu tư vào hạng mục sân golf và khu thương mại dịch vụ.
Cũng trong phiên tòa, ông Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) thừa nhận bản thân có một phần trách nhiệm trong vụ sai phạm liên quan 2 khu đất vàng 43 ha và 145 ha.
"Tôi thấy mình đã thiếu trách nhiệm", cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khai trước tòa và cho rằng bản thân không chỉ đạo cấp dưới duyệt các văn bản liên quan khu đất 43 ha hay hợp thức hóa các công văn, giấy tờ liên quan khu đất vàng, làm sai lệch bản chất nội dung các văn bản.