Đại án Gang thép Thái Nguyên: 2 bị cáo được Viện Kiểm sát đề nghị giảm án
Viện Kiểm sát đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của Đậu Văn Hùng và Hoàng Ngọc Diệp do đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Sau hơn một ngày xét xử phúc thẩm, hôm nay (10/11), Hội đồng xét xử tuyên bố kết thúc phần xét hỏi đối với 12 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Đại diện Viện Kiểm sát (VKS) đã nêu quan điểm luận tội đối với các bị cáo.
Các bị cáo liên quan đến đại án gang thép Thái Nguyên (Ảnh DT)
Theo đó, đại diện VKS đề nghị tòa phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Đậu Văn Hùng (cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) và Hoàng Ngọc Diệp (cựu thành viên HĐQT VNS) vì đã khắc phục toàn bộ hậu quả.
Đối với 10 bị cáo còn lại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, VKS đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Từ chứng cứ trong hồ sơ vụ án, theo VKS, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên do TISCO làm chủ đầu tư, cấp quyết định đầu tư là HĐQT Tổng công ty VNS.
HĐQT VNS tổ chức thẩm định, chịu trách nhiệm xem xét phê duyệt dự án và chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định hiện hành; chủ đầu tư (TISCO) chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án.
Năm 2007, đơn vị trúng thầu xây dựng dự án là Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng trọn gói hơn 160 triệu USD.
Các bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật, không đạt được hiệu quả của dự án mà còn gây thất thoát số tiền đặc biệt lớn.
Sau hơn 11 tháng khởi công, MCC chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu nhưng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng. MCC còn đề nghị điều chỉnh giá hợp đồng EPC…
Với chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, bị cáo Trần Trọng Mừng là Tổng giám đốc TISCO và bị cáo Mai Văn Tinh là chủ tịch HĐQT VNS (cấp quyết định đầu tư) đã không xem xét, chỉ đạo dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét để hủy đấu thầu và tổ chức đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả và tiến độ của dự án.
Thay vào đó, các bị cáo tiếp tục chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm Hợp đồng EPC số 01# để tiếp tục thực hiện hợp đồng… Hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả thất thoát, lãng phí cho Nhà nước hơn 830 tỷ đồng.
VKS cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, mức án phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo là hợp lý, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Trước đó, tại phần xét hỏi, đại diện TISCO khẳng định công ty này không yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền 830 tỉ đồng.
Đối với số tiền thiệt hại trên của vụ án, hiện TISCO đang đề nghị MCC và các nhà thầu khác phải tiếp tục thực hiện theo các nội dung trong kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.
Đại diện TISCO cho rằng việc đánh giá thiệt hại của vụ án ở con số 830 tỉ đồng là chưa đầy đủ vì theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì số tiền thiệt hại lớn hơn 830 tỉ.
Theo vị này, dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên có 22 gói thầu, trong đó 2 gói chính là mỏ sắt Tiến Bộ và hợp đồng EPC 01.
Tổng chi phí của dự án là chi chung cho toàn bộ các gói thầu, bao gồm mỏ sắt Tiến Bộ. Từ năm 2013, mỏ sắt đi vào hoạt động, không có sai phạm gì. Trong số 830 tỉ tiền lãi mà cáo trạng cáo buộc là thiệt hại của vụ án thì có cả phần lãi từ tiền vay cho mỏ sắt Tiến Bộ.