Đại án Nhật Cường: Nhiều bị can không nhận tội
Nhiều bị can liên quan đến đường dây buôn lậu tại Công ty Nhật Cường không thừa nhận hành vi phạm tội, dù vậy cơ quan tố tụng khẳng định có đủ cơ sở để buộc tội.
Trong vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, 15 bị can bị truy tố về các tội buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo VKSND Tối cao, từ năm 2014 đến 2019, Bùi Quang Huy (tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) chỉ đạo và tổ chức mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… từ 16 nhà cung cấp nước ngoài, với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng.
Tiếp đó, Huy bỏ ra gần 73 tỉ đồng để thuê chín đường dây vận chuyển trái phép số hàng hóa trên vào Việt Nam, từ đó tiêu thụ 254.364 sản phẩm, hưởng lợi hơn 221 tỉ đồng.
Lập “công ty ma” để vận chuyển hàng lậu
Đáng chú ý, quá trình điều tra, ngoài việc Huy và năm bị can khác bỏ trốn, nhiều người không thừa nhận hành vi phạm tội liên quan đến đường dây buôn lậu của tổng giám đốc Công ty Nhật Cường.
Điển hình, trong chín đường dây vận chuyển hàng lậu mà Huy thuê có đường dây ký hiệu là “SH” do Nguyễn Bảo Trung (33 tuổi, trú tại Hà Nội) tổ chức.
Để chuyển hàng lậu từ Hong Kong về Việt Nam, Trung thành lập các doanh nghiệp nhưng thực chất không hoạt động, với mục đích sử dụng pháp nhân để mở tờ khai hải quan nhập khẩu, nhưng khai báo là hàng hóa khác.
Sau khi được thông quan, Trung thuê, đưa hồ sơ đã được “qua cửa” cho một người tên Tý để vào kho hàng tại Sân bay Nội Bài nhận hàng và vận chuyển về nội thành giao cho nhân viên Công ty Nhật Cường.
Kết quả trích xuất dữ liệu ERP (phần mềm nội bộ nhằm che giấu hành vi buôn lậu của Công ty Nhật Cường) xác định Trung đã vận chuyển trái phép 40.006 sản phẩm với tổng trị giá 549.4 tỉ đồng cho Bùi Quang Huy, qua đó nhận số tiền cước hơn 13,9 tỉ đồng.
Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, Trung không thừa nhận hành vi phạm tội, nói không biết người tên Tý là ai và cũng không trao đổi gì với Công ty Nhật Cường về việc vận chuyển hàng hóa.
Dù vậy, cơ quan tố tụng khẳng định có đủ căn cứ buộc tội đối với Trung. Điều này thể hiện qua các số điện thoại mà Trung sử dụng để liên lạc và trao đổi với đại diện Công ty Nhật Cường, cha của Trung cũng xác nhận Trung và Tý là bạn của nhau, từng gặp và bàn bạc công việc nhiều lần…
Hai anh em ruột đồng phạm với ông chủ Nhật Cường
Một bị can khác không nhận tội là Ngô Tuấn Sửu (giám đốc Công ty CP và Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn), em trai của Ngô Xuân Sử (hiện đã bỏ trốn).
Trong số 16 nhà cung cấp nước ngoài, Công ty Nhật Cường mua của nhà cung cấp “Công ty Miền Tây” 84.403 sản phẩm với tổng trị giá hơn 427 tỉ đồng.
Công ty Nhật Cường đã thanh toán hơn 426 tỉ đồng cho nhà cung cấp này, trong đó chi tiền mặt hơn 218 tỉ đồng cho Ngô Tuấn Sửu, hơn 200 tỉ đồng còn lại chuyển qua hai tiệm vàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Kết quả điều tra xác định “Công ty Miền Tây” do Ngô Xuân Sử làm đại diện. Thông qua ứng dụng WhatsApp, Sử trực tiếp giao dịch, thỏa thuận với Bùi Quang Huy để mua bán điện thoại di động, máy tính bảng cũ do Sử mua gom từ Dubai, Hồng Kông...
Từ năm 2015 đến 2019, theo yêu cầu của Sử, Công ty Nhật Cường thanh toán tiền hàng trực tiếp cho em trai của Sử là Sửu. Mỗi lần nhận tiền, Sửu dùng điện thoại hoặc sử dụng ứng dụng WhatsApp gọi điện, nhắn tin thông báo trước cho đại diện Công ty Nhật Cường.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Ngô Tuấn Sửu khai nhận được anh ruột là Ngô Xuân Sử nhờ đi nhận tiền bán hàng từ Công ty Nhật Cường. Sửu đã rất nhiều lần đến Công ty Nhật Cường để làm việc này.
Tuy nhiên đến nay, Sửu lại thay đổi lời khai, không thừa nhận hành vi phạm tội. Dù vậy, căn cứ vào lời khai của các bị can tại Công ty Nhật Cường, dữ liệu trích xuất trên các ứng dụng chat trực tuyến và phần mềm ERP, cơ quan tố tụng khẳng định đủ cơ sở xác định hành vi phạm tội của Sửu.
Riêng với Ngô Xuân Sử, do bị can này đang bỏ trốn, CQĐT đã ra quyết định truy nã, tạm đình chỉ điều tra, khi nào bắt được sẽ tiếp tục điều tra, xử lý sau.
Anh trai Bùi Quang Huy có vai trò gì?
Ngoài các bị can không nhận tội như đã nêu, nhiều bị can khác khi làm việc với cơ quan điều tra cho rằng không biết hàng hóa Công ty Nhật Cường nhập về là hàng lậu, hoặc không biết đó là hàng hóa gì.
Trong số này có bị can Bùi Quốc Việt, anh trai của Bùi Quang Huy. Cơ quan tố tụng xác định Việt nhiều lần đi nhận hàng lậu từ những người vận chuyển để đưa về kho Công ty Nhật Cường, với tổng số 1.524 sản phẩm, trị giá hơn 7,4 tỉ đồng.
Tại cơ quan điều tra, bị can Việt khai không biết đây là điện thoại di động, máy tính bảng nhập lậu. Nhưng căn cứ dữ liệu điện tử trích xuất, tài liệu xác minh và lời khai của các bị can liên quan, cơ quan tố tụng xác định đủ cơ sở kết luận hành vi của Việt phạm tội buôn lậu, với vai trò đồng phạm giúp sức cho Huy.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/dai-an-nhat-cuong-nhieu-bi-can-khong-nhan-toi-963852.html