'Đại bàng' Hàn Quốc làm tổ ở Việt Nam, lĩnh vực nào mạnh nhất?
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, cho thấy, trong giai đoạn 2020-2023, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc liên tục tăng cao, trung bình đạt trên 76 tỷ USD/năm.
Trong 6 tháng năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Hàn Quốc ước đạt 38,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 12,2 tỷ USD, tăng 9,9% và nhập khẩu đạt 26,6 tỷ USD, tăng 9,1%.
Theo Tổng cục Hải quan, cơ cấu xuất khẩu của hai bên có tính bổ sung rõ nét, và ít có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng mà các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất (điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị phụ tùng) và các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông thủy sản, thực phẩm chế biến, dệt may, giày dép, đồ gỗ.
Ở chiều ngược lại, Hàn Quốc là nguồn cung cấp lớn thứ hai sau Trung Quốc đối với các linh kiện, phụ kiện, máy móc thiết bị, nguyên vật liệu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất đặc biệt là các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Việt Nam.
Đáng chú ý, hiện các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng góp khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, riêng Samsung đã chiếm khoảng 1/5 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với con số hàng chục tỷ USD/năm.
Các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc đều đang hoạt động mạnh tại Việt Nam và đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu đặc biệt là trong các lĩnh vực: Điện tử, ô tô, cơ khí, luyện kim, hóa chất, dệt may, da giày…
Đặc biệt từ sau khi Samsung và LG đầu tư vào Việt Nam, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Hiện ngành này chiếm tỷ trọng gần 20% giá trị toàn ngành công nghiệp.
Có sự tăng trưởng này nhờ vào quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai nước. Hàn Quốc hiện là một trong số ít quốc gia đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với Việt Nam. Hai nước đã cùng tham gia các FTA như: Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Trong hoạt động đầu tư, số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến tháng 4, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 87 tỷ USD và gần 10.000 dự án đầu tư, chiếm 18,25% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký và 25,1% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu trong viện trợ phát triển chính thức của Hàn Quốc (khoảng 20% tổng viện trợ), nhận hằng năm hơn 500 triệu USD cho những lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng giao thông đô thị, y tế, giáo dục - đào tạo, môi trường, năng lượng sạch, công nghệ thông tin...
Về hợp tác lao động, cho đến nay đã có hơn 127.000 lượt người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc có hơn 250.000 người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 150 nghìn người tại Việt Nam.