'Đại bàng Sion' gãy cánh, không quân Israel hủy diệt phòng không Syria?
Với tiềm lực quân sự mạnh mẽ, không quân Israel (IAF) có thể sẽ dùng những chiến đấu cơ mạnh nhất để hủy diệt hệ thống phòng không Syria để trả đũa khi vụ F-16D bị Damascus bắn rơi.
Không quân Israel là một trong những lực lượng tác chiến đường không mạnh nhất thế giới. Được trang bị hiện đại, với lối đánh táo bạo cùng những phi công tài giỏi, họ khiến ngay cả Nga, Mỹ cũng phải cảm phục, trong khi Iran và Syria luôn thấp thỏm lo sợ.
Được thành lập vào ngày 28-5-1948, không quân Israel luôn cho thấy họ là lực lượng ghi được nhiều chiến công danh giá trong những đợt ra quân.
Đáng chú ý, Israel là nước đầu tiên sau Mỹ được biên chế tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 F-35.
Phiên bản F-35 dành cho Israel được mang tên F-35I Adir.
F-35I Adir của không quân Israel chính là phiên bản sửa đổi hệ thống điện tử dựa trên F-35A của Mỹ. Israel luôn có truyền thống mua máy bay Mỹ nhưng lại trang bị những hệ thống điện tử tối tân do họ phát triển.
Tính năng tàng hình mạnh mẽ, hệ thống điện tử tiên tiến, kho vũ khí hiện đại, những chiếc chiến đấu cơ này được coi là “quái điểu” thống trị bầu trời Trung Đông.
Hiện Israel đang có ý định mua hàng trăm máy bay F-35I để tiếp tục duy trì sức mạnh. Hiện họ đã ký hợp đồng mua hơn 40 chiếc và vẫn tiếp tục mua thêm nếu Mỹ đồng ý bán.
Mỹ thường giới hạn số lượng máy bay hiện đại bán cho Israel vì lo ngại căng thẳng trong khu vực leo thang.
Mặc dù vậy với năng lực hiện đại, không quân Israel vẫn được đánh giá là có sức mạnh vào tốp đầu của thế giới.
Lực lượng chủ yếu của Không quân Israel là máy bay tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ. Có 53 F-15 (19 A, 6 B , 17 C, 11 D; có 4 đến 10 A đang được niêm cất), 25 F-15I (có tính năng tương đương với F-15E tấn công của Mỹ), 278 F-16 (44A, 10 B, 77 C, 48 D, 99 I; còn 38 A, 8B, 1 D đang được niêm cất).
Ngoài ra, hiện Không quân Izrael đang niêm cất các máy bay tiêm kích cũ gồm: 109 máy bay F-4E và 8 máy bay trinh sát RF -4E của Mỹ, 60 chiếc “Kfir” của Israel (21 C1, 19 C2, 2 TC2, 01 R-C2 , 18 C7).
Hiện Không quân Israel cũng đang có các máy bay cường kích do Mỹ sản xuất – 8 chiếc máy bay chống du kích AT-802 F (chính thức được coi là máy bay chữa cháy) và 26 chiếc A-4N đã cũ (còn có 38 chiếc tương tự, 17 A-4E, 5 F , 24 H đang được niêm cất, bảo quản).
Trong biên chế của Không quân Israel còn có 7 chiếc máy bay trinh sát và giám sát RC-12D, 2 máy bay tác chiến điện tử “Gulf Stream -550” (7 chiếc EC -707 và 01 chiếc RC-707 đang niêm cất).
Họ cũng có tới 11 máy bay tiếp dầu (4 chiếc KC -130H, 7 chiếc KC -707).
Kèm theo đó là 70 máy bay vận tải các loại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ việc thiếu máy bay tiếp dầu là lý do chủ yếu (nếu không phải là duy nhất) khiến Israel vẫn chưa "đại náo Trung Đông".
Hình ảnh phi đội chiến đấu cơ F-15 và F-16 của không quân Israel.
Máy bay trực thăng tấn công AH-64 bên cạnh chiến đấu cơ F-4.
Hình ảnh chiến đấu cơ có sức mạnh uy lực nhất F-35I trong không quân Israel.
Các máy bay F-16D, cùng loại với chiếc tiêm kích mới bị phòng không Syria bắn rơi.
Phi đội 4 chiếc tiêm kích hạng nhẹ hai chỗ ngồi F-16D.
Phi công Israel đang chụp hình trước tiêm kích thế hệ thứ 5 F-35I Adir.
Những chiếc F-16D block 52 với thiết kế hai thùng dầu phụ bên thân vừa giúp tăng tầm bay trong khi vẫn đảm bảo tính khí động học.
Những chiếc F-16D của không quân Israel với màu sơn rằn ri sa mạc đặc trưng.
Hai chiếc chiến đấu cơ đa năng hạng nặng F-15I của không quân Israel.
Một chiếc F-16D Block 52 đang chuẩn bị cất cánh làm nhiệm vụ.
Lực lượng máy bay huấn luyện: 17 chiếc Grob-120 của Đức, 20 chiếc T-6A của Mỹ (cộng thêm 2 chiếc đang niêm cất), 20 chiếc máy bay huấn luyện – chiến đấu TA-4 (2 H , 18 J; 2 chiếc H đang nằm trong kho) , 01 chiếc M-136 mới nhất của Ý.
Máy bay lên thẳng chiến đấu: Israel có 50 AH-64 “Apache” (29 A, 21 D; cộng 01 A đang bảo quản), 54 AH-1 “Cobra” (trong đó có 10 E, 10 F, 27 S; còn 7 E, 58 F, 01 S đang được niêm cất).
Các máy bay lên thẳng đa năng và vận tải – 19 OH -58B (01 đang niêm cất), 10 chiếc CH-53A (3 A và 5 F đang niêm cất), 39 S-70A, 10 UH-60A.
Nhập khẩu máy bay từ nước ngoài kết hợp phát triển trong nước và nâng cấp, trang bị vũ khí theo yêu cầu sử dụng riêng là cách để Không quân Israel độc bá Trung Đông.
Những năm 1950, quân đội Israel thường sử dụng vũ khí mua từ châu Âu, chủ yếu là Anh và Pháp.
Đặc biệt mối quan hệ với Pháp dần được mở rộng, dẫn đến việc chuyển giao các thiết bị vũ khí hiện đại lúc đó như tiêm kích Mirage, cũng như sự hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình hạt nhân của Israel.
Các tiêm kích Mirage đã trở thành trụ cột của Không quân Israel (IAF) trong Cuộc chiến 6 ngày với khối Arab, trong đó IAF đã tiêu diệt phần lớn sức mạnh không quân các nước khối Arab.
Từ những năm 1960, IAF đóng vai trò trung tâm trong sức mạnh quốc phòng của nước này. Khả năng của IAF trong việc bảo vệ chiến trường và thường dân khỏi cuộc tấn công của không quân đối phương, cho phép quân đội nước này chiến đấu với một lợi thế rất lớn.
Đồng thời, IAF đã chứng minh tầm nhìn chiến lược và tấn công các mục tiêu quan trọng ở khoảng cách rất xa.
Sự thống trị Trung Đông của IAF bắt nguồn từ quá trình huấn luyện chiến đấu bài bản, sự yếu kém của kẻ thù và cách tiếp cận linh hoạt trong thiết kế và mua sắm vũ khí.
Trong cuộc nội chiến tại Syria, Israel nhiều lần bị Syria cáo buộc trợ giúp nhóm khủng bố HTS để tiến đánh quân đội nước này.
Trụ sở HTS lại nằm trên bán đảo Sinai, nơi đang được canh giữ bởi quân đội Israel.
Bên cạnh đó mối quan hệ giữa Tel Aviv và Damascus chưa bao giờ thuận hòa kể từ khi Israel lập quốc.
Tuy vậy xung đột lại lắng dịu trong một vài thập kỷ gần đây và đột ngột căng thẳng khi nội chiến Syria nổ ra.
Israel phản đối sự hiện diện quân sự của Iran đang giúp Tổng thống Assad tại Syria.
Đồng thời Israel cũng lên tiếng cáo buộc chính quyền Syria dung túng cho các nhóm phiến quân hồi giáo thường xuyên có những vụ tấn công bằng pháo và rocket vào lạnh thổ nước này.
Chính vì vậy các cuộc không kích của Israel thường được tiến hành thường xuyên nhắm vào quân đội Syria bất chấp sự phản đối của Damascus.
Đáng nói hơn không quân Israel còn liều lĩnh tấn công vào quân đội Syria ngay dưới sự bảo vệ của hệ thống S-400 của Nga trước sự im lặng đến khó hiểu của Moscow.
Có lẽ do cân bằng mối quan hệ giữa Damascus và Tel Aviv nên Moscow thường chọn giải pháp cho hệ thống S-400 "im lặng" dù radar của chúng có thể nhìn thấy rõ máy bay chiến đấu Israel và khóa chúng.
Không quân Syria đã nhiều lần bắn tên lửa phòng không cảnh cáo chiến đấu cơ Israel, tuy vậy dường như phớt lờ cảnh báo này, Tel Aviv càng tăng cường các cuộc không kích, chính vì vậy buộc Damascus bắn hạ chiến đấu cơ Israel.
Tuy có hệ thống tác chiến điện tử hiện đại với các loại máy bay phá sóng radar cực tốt, việc máy bay F-16 bị bắn hạ khiến giới quan sát nghi ngờ có thể Nga bật đèn xanh và cung cấp dữ liệu hệ thống đường bay của chiến đấu cơ Israel mà hệ thống radar S-400 thu thập được cho Syria để đối phó với hành động leo thang cường độ không kích.
Không quân Israel thường tổ chức các cuộc tấn công trả đũa mỗi khi họ bị đối phương tấn công. Trước đó Israel đã phá hủy tan tành hai hệ thống S-200 của Syria khi bắn cảnh cáo vào chiến đấu cơ F-15 của nước này.
Vì vậy giới quan sát lo ngại một hành động trả đũa khốc liệt và dài hơi sẽ được Israel thực hiện sau vụ F-16 bị bắn cháy làm một phi công thiệt mạng.
Ngay sau khi chiếc F-16 bị bắn rơi, Israel đã tăng cường các cuộc không kích để trả đũa, tuy nhiên điều đó vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thế giới đang lo ngại một cuộc phiêu lưu quân sự giữa hai quốc gia này.
Nga đang kêu gọi các bên kiềm chế. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế, tránh mọi hành động có thể dẫn đến phức tạp thêm tình hình", AP dẫn thông cáo phát của Bộ Ngoại giao Nga.
Nga cho rằng cần tôn trọng vô điều kiện chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Syria và các nước khác trong khu vực.
Không quân Israel vẫn đang thực hiện đều đặn các vụ không kích vào quân đội Syria.
Thế giới vẫn đang nín thở chờ phản ứng của hai bên sau khi F-16 bị bắn rơi. Động thái mới nhất cho thấy Israel đã triển khai các hệ thống phòng không tới sát biên giới Syria.
Việt Hùng