'Đại bàng' và 'chim sẻ'

Còn nhớ, chỉ 20 ngày sau khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tô Lâm đã có cuộc gặp mặt đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Chỉ dấu này cho thấy ngay từ sớm, đồng chí đã tinh tường nhìn ra vai trò của những “chim sẻ” trong tổ hợp kinh tế quốc dân và cần hoạch định những chính sách để cân bằng cấu trúc nền kinh tế quốc gia với hai chủ thể chính là vừa tạo lập những “đại bàng” dẫn dắt ngành chiến lược, mũi nhọn vừa bao phủ mạng lưới “chim sẻ” với các doanh nghiệp nhỏ và vừa năng động, tự chủ, độc lập, sáng tạo.

Quan trọng nữa là từ đó, “linh hồn” cho khu vực kinh tế tư nhân được tích lũy, khơi thông nội lực và ngay sau đó đã ra đời bản Nghị quyết 68 có tính cách mạng với kinh tế tư nhân. Ở đó xác định rõ kinh tế tư nhân “là động lực quan trọng nhất”, “là động lực tăng trưởng chủ chốt cho giai đoạn tới”.

Vấn đề quan trọng đặt ra là với vai trò đang được tái định vị từ can thiệp sang kiến tạo, Nhà nước sẽ hoạch định chính sách, các công cụ pháp lý, môi trường như thế nào để tạo sự cân bằng nói trên cũng như đảm bảo tính công bằng cho cả hai hệ sinh thái “chim sẻ” và “đại bàng” vốn đã tồn tại nhiều bất cập, bất công nhiều năm qua.

Rõ ràng, với tỷ lệ chiếm 98% số doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ nắm chưa đến 30% tổng vốn và tiếp cận chưa đến 18% tín dụng toàn hệ thống (theo Asian Development Bank, 2021); trong khi ở chiều ngược lại, doanh nghiệp “đại bàng” dù chỉ chiếm 2% nhưng lại nắm khoảng 70% nguồn vốn kinh doanh thì việc tái cân bằng nguồn vốn, tín dụng, số lượng và lĩnh vực - ngành chiến lược, thị trường trọng yếu là tối quan trọng. Tất nhiên, đó là việc đầy thách thức, cam go.

Từ thực tế, xuất hiện không ít lo ngại, tranh luận về những thuật ngữ đi kèm hiện trạng, nào là “rent-seeking” (hành vi trục lợi chính sách), nào là hiện tượng “crowding out” (chèn ép)… Điều này cũng đã được đề cập trực diện trong các thảo luận chính sách và cho thấy, sự cẩn trọng đi kèm với những biện pháp tháo - mở có tính đột phá sẽ đảm bảo khắc phục những khiếm khuyết cũ. Cốt lõi thì Nhà nước, tức Chính phủ, sẽ làm đúng, giữ đúng vai trò kiến tạo phát triển, minh bạch; công khai chiến lược dài hạn; can thiệp mạnh để duy trì kỷ luật thị trường mỗi khi có biến động, sự cố nghiêm trọng...

Việc xác định các lĩnh vực - ngành nghề chiến lược, mũi nhọn đi cùng lựa chọn năng lực về vốn, công nghệ, thị trường là để tránh những ôm đồm, đầu cơ, tiềm ẩn nhiều rủi ro tác động tiêu cực lên tăng trưởng, thị trường. Nhà nước - một khi thực thi chính sách hỗ trợ, nên đi kèm các điều kiện cụ thể và hiệu quả nhất định để không vừa tạo sự ỷ lại vừa triệt tiêu cạnh tranh, tạo sự bất bình đẳng.

Một chuyển biến mang màu sắc tích cực hiện nay đó chính là Nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn, uy tín tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình hạ tầng - giao thông vốn là đặc quyền của doanh nghiệp nhà nước hay nguồn lực đầu tư công. Cũng như đang từng bước đưa các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng (với các doanh nghiệp lớn), cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tín dụng, đất đai, thông tin thị trường đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cụ thể mới nhất, Tập đoàn Trường Hải (THACO) vừa đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tham gia đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hay Tập đoàn Vingroup chủ động đề xuất xây dựng các tuyến metro ở TPHCM…

“Đường dài mới biết ngựa hay”, nhưng rõ ràng sự chào đón (về mặt chủ trương, chính sách) của Nhà nước, vai trò chủ động tích cực hợp tác, đồng hành của các tập đoàn, liên danh như cơ khí (THACO), nguyên vật liệu, thép (Hòa Phát, Đại Dũng), xây dựng theo mô hình TOD (Coteccons, Hòa Bình, Sungroup), các giải pháp thông tin, công nghệ (Viettel, FPT, CMC)… góp phần tạo nên những liên doanh doanh nghiệp, thương gia dân tộc. Ở đó cùng nhau vừa gia tăng tỷ lệ nội địa vừa cùng nhau chia sẻ “miếng bánh” lợi nhuận - rủi ro.

Vì vậy, ngay từ bây giờ nên có cơ chế để giao nhiệm vụ cho các bên cạnh tranh và/hoặc cùng chia sẻ cũng như “chuỗi trách nhiệm” đi cùng mạng lưới doanh nghiệp nhỏ và vừa để đồng hợp tác, khai thác, phát triển nguồn cung ứng, thị trường… Bên cạnh đó, một cơ chế pháp lý thông thoáng, minh bạch, công bằng cần đi kèm các thiết chế giám sát độc lập, bảo đảm mức ưu đãi về tín dụng, miễn giảm thuế được trao dựa trên năng lực và hiệu quả thực tế.

Quan trọng nữa là trong bối cảnh tinh gọn cơ quan hành chính, sáp nhập tỉnh thành và các cấp cơ sở thì càng nên đẩy mạnh liên cấp, liên vùng để gia tăng tính hợp tác - hiệu quả thay vì cạnh tranh bình quân - độc quyền mỗi địa phương, địa bàn. Đây là bước đi khôn ngoan trong quản trị quốc gia - địa phương, nếu tận dụng tốt cùng với các nghị quyết về kinh tế tư nhân, về khoa học - công nghệ, về chính sách vốn, tín dụng, thuế… được minh bạch hóa, gia tăng trách nhiệm giải trình thì chắc chắn sự cân bằng tự nhiên những “đàn chim sẻ” và các “đại bàng” sẽ góp phần mang lại sự thịnh vượng bền vững cho quốc gia.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bang-va-chim-se-post797089.html