'Đai bảo hiểm' cho những nhà giáo dám nghĩ, dám làm

Tuyến bài 'Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm' được nhóm phóng viên Báo GD&TĐ lên ý tưởng, xây dựng đề cương từ thực tiễn tác nghiệp.

Cô và trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Sỹ Điền

Những nhà giáo đi giữa lằn ranh mỏng

Nhà báo Ngô Sỹ Điền, phóng viên Báo GD&TĐ nhận xét, trong bối cảnh ngành Giáo dục ra sức thi đua đổi mới, cần có những nhân tố sẵn sàng đối diện khó khăn, thách thức để thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Họ sẽ là những “hạt giống đỏ”, đội ngũ tiên phong trên hành trình đổi mới. Vì vậy, cần cơ chế bảo vệ, thúc đẩy họ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo nên những giá trị căn cốt cho sự nghiệp “trồng người”.

Song vấn đề đặt ra là, làm thế nào để xóa bỏ nỗi ám ảnh của những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm nhưng vẫn bị xử lý vì vô tình mắc phải sai sót trong quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ. Muốn vậy cần có cơ chế, với “đai bảo hiểm” cho những nhà giáo nêu trên.

Nghị định số: 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ đã tháo gỡ “điểm nghẽn” để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trước và sau thời điểm Nghị định này có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng, có tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Vấn đề này cũng trở thành chủ đề “nóng” khi được các đại biểu phản ánh, phân tích tại nhiều kỳ họp Quốc hội.

 Nhà báo Ngô Sỹ Điền - Báo Giáo dục và Thời đại. Ảnh: NVCC

Nhà báo Ngô Sỹ Điền - Báo Giáo dục và Thời đại. Ảnh: NVCC

“Trăn trở với bài toán trên, tôi được ban biên tập giao xây dựng đề cương với tuyến bài “Để nhà giáo dám nghĩ, dám làm”, gồm 4 tác phẩm: Ranh giới mong manh; Vượt lên nỗi sợ; Bảo vệ bằng việc làm cụ thể; Tháo nút thắt.

Đề tài được ấp ủ và xây dựng từ đầu năm 2024. Sau nhiều lần thảo luận, cho ý kiến của Ban biên tập, Ban Giáo dục và tham vấn của Chi hội nhà báo, các đồng nghiệp, đến tháng 8/2024, đề tài chính thức được duyệt và triển khai đến 4 phóng viên thực hiện: Nguyễn Nhung, Ánh Ngọc, Quốc Ngữ và tôi” – nhà báo Sỹ Điền chia sẻ.

Loạt bài nội dung xoay quanh Nghị định số 73/2023 của Chính phủ nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra chính là ranh giới giữa dám nghĩ, dám làm, đột phá với vi phạm nhiều khi rất mong manh. Điều này khiến cán bộ, nhà giáo đôi lúc “chùn bước”, ngại đề xuất giải pháp mới.

Cùng nhà giáo đi tìm giải pháp

Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP nhằm khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đối với ngành Giáo dục, Nghị định này cần được triển khai như thế nào để bảo đảm sự phát triển toàn ngành, góp phần triển khai thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện?

 Nhà báo Nguyễn Quốc Ngữ, Báo Giáo dục và Thời đại. Ảnh: NVCC.

Nhà báo Nguyễn Quốc Ngữ, Báo Giáo dục và Thời đại. Ảnh: NVCC.

Theo đó, các phóng viên vùng miền phối hợp để triển khai từng vấn đề trong tuyến bài.

Nhà báo Nguyễn Quốc Ngữ cho biết, khi tác nghiệp, trao đổi về vấn đề trên, có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí từ chối trả lời vì “nhạy cảm”. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý, nhà giáo bày tỏ quan điểm, hiến kế để nhà giáo dám nghĩ, dám làm. Đồng thời đưa ra nhiều giải pháp hay nhằm bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Tạo niềm tin, khát vọng, ý chí phấn đấu vượt khó, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; trong đó có ngành giáo dục.

Loạt bài cũng nêu “đúng” và “trúng” những điểm nghẽn xuất phát từ thực tiễn khi triển khai Nghị định số 73/2023 của Chính phủ. Đặc biệt là tâm lý sợ sai, sợ mắc khuyết điểm còn tồn tại trong một bộ phận đội ngũ cán bộ nói chung và nhà giáo nói riêng. Nhất là việc hàng loạt cán bộ bị xử lý, vướng sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, khiến không ít người nảy sinh tâm lý làm việc cầm chừng, với lập luận: Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai… Những vấn đề này được nêu ra tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Đặc biệt, cán bộ, nhà giáo cần chỗ dựa, điểm tựa vững chắc để dám nghĩ, làm, đột phá và chịu trách nhiệm. Do đó, phải chọn được người đứng đầu có tầm, tâm, có thể nhìn nhận và đánh giá đúng cán bộ thế nào là năng động, sáng tạo để khuyến khích ủng hộ.

Nhà báo Ngô Sỹ Điền cho biết, dù chưa được tròn đầy và đâu đó có những vấn đề chưa được như mong muốn, nhưng sau khi chuyên đề được duyệt đăng trên ấn phẩm Đặc biệt cuối tháng 8/2024, cả 4 chúng tôi đều vui mừng, bởi ít nhất “đứa con” tinh thần đã được hoàn thành, mang theo những tâm tư, tình cảm và lòng trắc ẩn của những người cầm bút viết về giáo dục. Hơn bao giờ hết, chúng tôi mong muốn có những cơ chế, chính sách đặc thù để bảo vệ những nhà giáo năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dai-bao-hiem-cho-nhung-nha-giao-dam-nghi-dam-lam-post708770.html