Đại biểu Âu Thị Mai đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Ngày 2-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025;… Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham gia thảo luận, đề xuất các giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác.
Đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026.
Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đại biểu nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đại biểu, ngoài nguyên nhân ảnh hưởng của của dịch Covid-19 cùng với các yếu tố biến động từ bên ngoài thì một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Trình tự, thủ tục triển khai thực hiện một dự án được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật liên quan. Việc thực hiện thống nhất các quy định của Luật, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương lúng túng, mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục do hồ sơ dự án phải thông qua nhiều cấp, nhiều ngành từ trung ương đến địa phương.
Đại biểu dẫn chứng một dự án từ khi hình thành cho đến khi giải ngân được vốn, tổ chức thi công phải trải qua rất nhiều giai đoạn, thủ tục, cụ thể đối với dự án nhóm A, nếu thực hiện đúng thủ tục, trình tự thường mất thời gian khoảng gần 2 năm, với dự án nhóm B, nhóm C thường mất khoảng 9 đến 10 tháng...
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định của pháp về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét, sửa đổi luật đầu tư công và các Luật có liên quan, để kịp thời tháo gõ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng ban hành quy định về các hành động trước được phép thực hiện đối với dự án đầu tư công, nhất là công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.
Đại biều cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép HĐND cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thực tiễn.
Chú trọng thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu khẳng định, với sự quyết tâm cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương; sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện các chỉ tiêu ngân sách nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi NSNN được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nhiều nhiệm vụ chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội được ưu tiên bố trí.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2023, tiến độ giải ngân các nguồn vốn còn chậm, nhất là 03 chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo đại biểu, việc chậm giải ngân vốn do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án tiểu dự án chậm và chung chung, hầu hết các văn bản sau khi ban hành phải sửa đổi hoặc đính chính.
Cá biệt có một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa có hướng dẫn; việc xây dựng, xác định các mục tiêu của chương trình chưa thực sự sát với thực tiễn, định mức hỗ trợ một số nội dung thấp, gây khó khăn cho thực hiện chương trình; việc áp dụng định mức đối với dự án không có cấu phần xây dựng chưa có hướng dẫn nên lúng túng trong việc áp dụng định mức lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, trường hợp không được kéo dài nguồn vốn thực hiện năm 2023 sang năm 2024 sẽ dẫn đến việc hủy dự toán năm 2023, ảnh hưởng đến quyền lợi của một số đối tượng yếu thế, đối tượng thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia, gây dư luận trong xã hội và áp lực trong việc bố trí nguồn lực trong 2 năm còn lại.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính Phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Bộ Tài chính cần báo cáo phân tích rõ hơn về nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong phân bổ ngân sách chậm và có những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn để thực hiện có hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng như đẩy nhanh tiến độ chi đầu tư phát triển, góp phần hoàn thành kế hoạch Ngân sách nhà nước năm 2023 và kế hoạch tài chính 3 năm 2024-2026.