Đại biểu Âu Thị Mai góp ý dự án Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án
Sáng 26-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải đối thoại tại tòa án. Đại biểu Âu Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã góp ý cho dự án luật.
Đại biểu Âu Thị Mai cho rằng, hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Hòa giải, đối thoại có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc được giải quyết nhanh chóng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp, đặc biệt là qua kết quả thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong tranh chấp dân sự kiếu kiện hành chính tại tòa án 16 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là cần thiết.
Đại biểu Âu Thị Mai góp ý vào một số nội dung trong tâm:
Về phạm vi điều chỉnh và nhiệm vụ của luật, đại biểu đề nghị dự thảo luật quy định rõ hơn về các vụ việc, trường hợp được tiến hành hòa giải tại tòa án, vì trên thực tế, có nhiều vụ việc tranh chấp như về đất đai, hôn nhân gia đình… đã được hòa giải tại cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và các vụ việc tranh chấp đất đai được UBND cấp xã hòa giải theo quy định của Luật Đất đai. Khi các bên đã được hòa giải nhưng không thể thỏa thuận với nhau thì mới khởi kiện ra tòa án để được giải quyết theo quy định. Do vậy, nếu tiếp tục tiến hành hòa giải tại tòa án với các vụ, việc đã được tổ hòa giải cơ sở hoặc UBND cấp xã tiến hành hòa giải nhưng kết quả không thành thì có thể không hiệu quả.
Về tiêu chuẩn hòa giải viên tại Điều 9 quy định, hòa giải viên phải “có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa án”. Đại biểu đề nghị lĩnh vực này cần những người có uy tín trong cộng đồng. Như vậy, các đối tượng lớn tuổi và đã có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, chủ yếu dùng sự tín nhiệm, uy tín của mình để thuyết phục các bên. Do vậy, nếu yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại của tòa án sẽ khó thu hút được đối tượng này tham gia làm hòa giải viên, nhất là những người có uy tín trong cộng đồng.
Cũng tại quy định về quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên (Điều 12), đại biểu đề nghị bổ sung thêm khoản quy định hòa giải viên "được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại", bởi hòa giải viên, nhất là những hòa giải viên là người có uy tín trong cộng đồng khi được bổ nhiệm nhưng không thuộc biên chế của tòa án, chỉ được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật khi thực hiện hòa giải, đối thoại, họ không có các chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Việc bổ sung quy định này sẽ đảm bảo quyền lợi cho hòa giải viên yên tâm công tác, đồng thờ trong Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 cũng đã đề cập đến quy định này đối với hòa giải viên ở cơ sở.
Điều 16 quy định thời hạn hòa giải, đối thoại tối đa không quá 30 ngày, nhưng theo khoản 2 thì thời hạn hòa giải, đối thoại có thể kéo dài theo đề nghị của các bên. Đại biểu cho rằng cần phải có quy định cụ thể, nếu chỉ quy định chung chung như dự thảo luật sẽ dẫn đến việc hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và đối thoại vụ án hành chính bị kéo dài; mà vì mục đích của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án là giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Về quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành (Điều 25) có quy định: Kết quả công nhận hòa giải thành, đối thoại thành có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nếu có căn cứ cho rằng nội dung các bên thỏa thuận, thống nhất là do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ đối với nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo xem xét quy định này, bởi hòa giải viên đã được quy định về tiêu chuẩn; việc hòa giải, đối thoại đã được chuẩn bị theo các bước theo dự thảo quy định tại Điều 17. Do vậy, khi đã có quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, kết quả đó không thể do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân khác.