Đại biểu Bùi Hoài Sơn: Báo chí là sản phẩm 'đặc biệt' trong nền kinh tế thị trường
Báo chí là sản phẩm hàng hóa đặc biệt nên chúng ta phải ứng xử nó theo cách thức đặc biệt, đáp ứng yêu cầu của xã hội và giữ vững định hướng, tôn chỉ mục đích.
Cần thay đổi chính sách đặt hàng
Đại biểu Quốc hội, PGS.ST Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa- xã hội của Quốc hội- Đoàn Hà Nội cho rằng, trong nền kinh tế thị trường sản phẩm báo chí là sản phẩm hàng hóa “đặc biệt” nên chúng ta phải ứng xử nó theo cách thức đặc biệt, vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường đọc giả mà vẫn giữ vững được định hướng chủ đạo, tôn chỉ mục đích, rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Đại biểu PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết: Để dung hòa giữa bài toán kinh tế và thực thi tôn chỉ, mục đích tại các cơ quan báo chí, đây là bài toán khó để chuyển hoạt động báo chí phù hợp hơn trong nền kinh tế thị trường. Các cơ quan báo chí làm sao vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu khác nhau đa dạng của đọc giả, vẫn giữ được những định hướng chủ đạo, để từ đó báo chí định hướng nhận thức, định hướng phát triển văn hóa, đặc biệt là đạo đức trong xã hội, tạo ra môi trường lành mạnh, môi trường thông tin tích cực, giúp đất nước phát triển bền vững hơn trong thời gian tới. Do vậy cần phải có hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể.
Cũng theo đại biểu Bùi Hoài Sơn, một thời gian quá dài các cơ quan báo chí đã quen với việc được bao cấp, quán tính và sức ỳ của các cơ quan báo chí vẫn còn đến ngày hôm nay ở trong nền kinh tế thị trường.
“Ở đó chúng ta chưa có nhiều kỹ năng kinh doanh, chưa biết xây dựng thương hiệu, đáp ứng nhu cầu khác nhau của độc giả, thêm vào đó hoàn cảnh khách quan khiến cho báo chí của chúng ta hiện nay gặp nhiều khó khăn”- đại biểu Bùi Hòa Sơn nói.
Rõ ràng những thách thức đến từ các phương tiện truyền thông mới, các thông tin từ các mạng xã hội đến nhanh với đông đảo người dân, phù hợp với thói quen đọc báo xem tin của khán giả trẻ. Khiến việc thu hút đọc giả trở lên khó khăn hơn và các nguồn lực quảng cáo, hỗ trợ của xã hội hỗ trợ hoạt động báo chí cũng khó khăn hơn.
Còn theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn Hải Phòng chia sẻ: Gần đây, trong quá trình vận hành cơ chế thị trường và triển khai áp dụng công nghệ 4.0 đã xuất hiện xu hướng “xã hội hóa” hoạt động báo chí và các loại hình báo chí mới ngoài “báo chí cách mạng”, bao gồm báo mạng. Báo chí cách mạng đã phát huy vai trò tiên phong và định hướng cho hoạt động báo chí nói chung ở nước ta, cả truyền thông đối nội và đối ngoại, đồng thời cũng luôn nhận được sự hỗ trợ nguồn lực trực tiếp, ở mức độ khác nhau từ Chính phủ.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Hoài Sơn chia sẻ: Chính sách của nhà nước trong việc hỗ trợ các cơ quan báo chí cần phải thay đổi về cơ chế đặt hàng, để cho việc đặt hàng còn phải đi kèm với định hướng, sự quan tâm hoạt động của báo chí để hoạt động báo chí đạt kết quả tốt hơn. Qua đó tạo động lực đủ lớn để cho cơ quan báo chí hoạt động tốt không quá phụ thuộc chạy theo lợi ích kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến tôn chỉ mục đích của các cơ quan báo chí.
Làm sao để “đạo đức ở gần, pháp luật ở xa”
Chia sẻ về vấn đề này, đại biểu Bùi Hoài Sơn chia sẻ: Chúng ta vẫn luôn nhấn mạnh “đạo đức ở gần pháp luật ở xa”, trước khi chúng ta nghĩ nhiều về pháp luật, hệ quả, chế tài…thì đạo đức trong mỗi con người chúng ta sẽ điều phối hành vi của mỗi người. Nếu chúng ta ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức với công chúng với tất cả toàn xã hội, chúng ta không vi phạm vào vấn đề đạo đức.
Chắc chắn để có được nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cần tạo mô trường cho nhà báo rèn luyện thực hành các giá trị đạo đức đó, trong yếu tố quan trọng làm sao để nâng cao hơn nữa đời sống của các nhà báo.
Singapore đã cho chúng ta kinh nghiệm khi xác lập các nguyên tắc để cho 1 người không tham nhũng, không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng. Đối với các nhà báo chúng ta cũng cần có các nguyên tắc tương tự như thế, để cho nhà báo chúng ta không cần làm những hành vi tiêu cực như vậy, không muốn làm những hành vi như vậy, không thể làm những hành vi đó.
Từ những giá trị, nguyên tắc đạo đức mà mỗi nhà báo phải tuân theo thì những quy định về pháp luật, cải thiện đời sống vật chất cũng là những giải pháp quan trọng. Đây cũng là nguyên nhân báo chí vi phạm đạo đức có chiều hướng diễn biến xấu thời gian qua.
Những yếu tố đảm bảo báo chí phát triển bền vững
“Báo chí là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, bên cạnh những điều kiện đặc biệt để phát triển theo quy luật của thị trường, quy luật cung cầu, quy luật giá trị hàng hóa hay các quy luật khác, chúng ta phải có các hỗ trợ nhất định từ nhà nước để giữ gìn được hình ảnh, tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, để các cơ quan báo chí không chạy theo lợi ích vật chất nó khiến chúng ta rời xa các giá trị đạo đức căn bản của báo chí”- đại biểu Bùi Hoài Sơn chia sẻ.
Cần có những cơ chế chính sách phù hợp hơn nữa để các cơ quan báo chí hoạt động có hiệu quả. Các cơ chế chính sách này có thể từ công tác tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính qua cơ chế đặt hàng, hỗ trợ về thuế hay hỗ trợ khác và đặc biệt là tập trung cho nguồn nhân lực báo chí.
Nhân lực báo chí ở đây ngoài các phóng viên nhà báo trái tim của cơ quan báo chí, cần phải có năng lực tốt hơn, cập nhật với điều kiện hiện nay cũng như mặt bằng chung của thế giới, cũng cần phải có được bồi dưỡng giá trị về đạo đức, phẩm chất về nghề nghiệp khác nữa, để từ đó những người làm báo có sự tự tin, đầy đủ nguồn lực yên tâm với nghề nghiệp của mình.
Đồng thời, cơ sở vật chất phải tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong bối cảnh 4.0 được trang bị phù hợp đáp ứng tòa soạn hội, qua đó các cơ quan báo chí có môi trường và điều kiện phù hợp để phát triển nhiều hơn.
“Ngoài ra, cần xây dựng văn hóa báo chí, phù hợp với các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, điều này sẽ giúp cơ quan báo chí định hướng tốt hơn các hoạt động của báo chí trong đó có kinh tế báo chí”- đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn khẳng định, các giải pháp mang tính tổng hợp sẽ giúp cho hoạt động kinh tế báo chí của cơ quan báo chí thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình đáp ứng được kỳ vọng của Đảng và nhà nước và của nhân dân đối với các cơ quan báo chí.
Còn theo đại biểu Nguyễn Chu Hồi: Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, điều này đòi hỏi báo chí nói chung, báo chí cách mạng nói riêng phải đổi mới toàn diện, hoàn hành tốt hơn nữa sứ mạng của mình. Theo đó, kiện toàn hệ thống, tăng cường quản lý nhà nước và cải cách hoạt động của báo chí của nước ta đang trở thành nhu cầu thực tế khách quan.
“Hướng chung, theo tôi, là vừa đảm bảo thu gọn đầu mối, giảm tải biên chế và cơ chế “bao cấp”, tạo thêm nguồn thu ngoài ngân sách, vừa duy trì hoạt động, cải thiện được cuộc sống và giữ được "đạo đức" nghề nghiệp trong quá trình tác nghiệp của đội ngũ người làm báo...”- đại biểu Nguyễn Chu Hồi chia sẻ và cho rằng “cần điều chỉnh quy hoạch báo chí với các bước đi cụ thể. Bên cạnh đó, ưu tiên rà soát, cơ chế, chính sách sao cho không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bảo đảm đầu tư ngân sách nhà nước có trọng tâm, trọng điểm cho công tác báo chí; thử nghiệm xây dựng mô hình doanh nghiệp truyền thôn tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Chính phủ thực hiện nhiệm vụ định hướng công tác truyền thông, kiểm soát hiệu quả, bảo đảm tuân thủ Luật báo chí, xử lý vi phạm và thống nhất quản lý nhà nước về báo chí và hoạt động truyền thông”.