Đại biểu của dân nơi tuyến đầu gian khó - Bài 3: Lo cho dân trước

Những người đại biểu của dân luôn nghĩ về lợi ích của dân trước khi nghĩ tới bản thân. Bão lũ, thiên tai có thể gây thiệt hại nặng nề cho họ và gia đình, nhưng họ gạt nỗi lo riêng để trước hết giải quyết nỗi lo chung của người dân.

Vì việc chung, gác việc riêng

Sáng sớm 9-9, nước lũ lên rất nhanh bắt đầu gây ngập ở thị trấn phố Ràng (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Lúc đồng chí Nguyễn Công Tư, Phó chủ tịch HĐND huyện, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Bảo Yên (nay là Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Phó chủ tịch HĐND huyện Bảo Yên) chuẩn bị xuống địa bàn để nắm tình hình thì cũng là lúc nước lũ bắt đầu tràn vào nhà. Đồng chí Nguyễn Công Tư và vợ là Ngô Hồng Thắm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bảo Yên chỉ kịp di chuyển một số đồ đạc lên tầng 2, sau đó cả hai vội vã rời nhà vì nhiệm vụ. Chỉ vài tiếng sau, nhà đồng chí Tư đã bị ngập hết tầng 1.

Cán bộ Hội đồng nhân dân huyện Bắc Hà thăm hỏi người dân bị mất nhà do mưa lũ ở thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Cán bộ Hội đồng nhân dân huyện Bắc Hà thăm hỏi người dân bị mất nhà do mưa lũ ở thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai). Ảnh: QUANG PHƯƠNG

Trong những ngày ấy, đồng chí Nguyễn Công Tư cùng các đồng chí trong HĐND huyện đi khắp các xã bị ảnh hưởng bởi lũ để tham gia công tác khắc phục hậu quả; phụ trách việc tiếp nhận và nhanh chóng vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho người dân. Lúc ấy, để hàng cứu trợ đến sớm nhất với người dân, nhiều lần đồng chí Phó chủ tịch HĐND huyện trực tiếp lái xe bán tải chở hàng xuống các xã, thôn. Vợ đồng chí Tư cùng chị em trong Hội Liên hiệp Phụ nữ và Mặt trận Tổ quốc thường xuyên trực đến 1-2 giờ sáng để đón những đoàn cứu trợ từ các nơi đến. Hai vợ chồng đều ăn nghỉ tại trụ sở. Con trai út của đồng chí Tư đang sống cùng bố mẹ được sơ tán sang nhà họ hàng. Nhà ngập, nhưng vì hai vợ chồng đồng chí Tư đều bận nhiệm vụ nên không thể về thăm nom.

Sau khi lũ rút, đồng chí Nguyễn Công Tư và vợ lại cùng các cán bộ trên địa bàn huyện Bảo Yên tập trung giúp dân dọn dẹp thôn, xóm, cùng xuống đồng với bà con để trồng vụ đông, phục hồi sản xuất nông nghiệp.

Nửa tháng sau, khi việc khắc phục hậu quả mưa lũ đã bớt căng thẳng, hai vợ chồng đồng chí Tư mới về nhà. Lúc này đồ đạc dưới tầng 1 đã hỏng hết, nhà cửa mốc thếch và vẫn còn bùn. Cả nhà cùng nhau dọn dẹp để ổn định lại cuộc sống. “Nhà mình bị thiệt hại như vậy, nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với nỗi đau của người dân bị mất người thân, mất nhà cửa phải đi ở ngoài lán. Cũng vì thế, tôi càng thấy trách nhiệm của mình trong việc đề xuất các chính sách hỗ trợ cho người dân”, đồng chí Nguyễn Công Tư chia sẻ.

Điểm tựa lúc gian khó

Nhắc đến những ngày mưa lũ kinh hoàng tháng 9-2024 vừa qua, đồng chí Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) chưa hết cảm giác bàng hoàng. Khi nhắc đến Làng Nủ, nước mắt chị Tư trực trào ra. Với tấm lòng của một người mẹ, người bà, chị thương các cháu bé bị mất hết người thân. Cả xã Phúc Khánh có 4 thôn bị ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh nỗi đau có 67 người chết và mất tích tại Làng Nủ thì xã còn có 274 hộ bị ngập lụt và mất nhà cửa. Bà con không kịp di dời tài sản, lương thực, chỉ kịp chạy người, nên sau 3 ngày bắt đầu phải đối mặt với thiếu đói và thiếu đủ thứ đồ dùng thiết yếu. Xã lập tức báo cáo với lãnh đạo huyện, đồng thời kêu gọi hỗ trợ từ thiện, tìm các giải pháp khắc phục ngay.

Đồng chí Nguyễn Công Tư đại diện lãnh đạo huyện Bảo Yên (Lào Cai) thăm hỏi, động viên các gia đình có người thiệt mạng do mưa lũ tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Ảnh: VĂN LÝ

Đồng chí Nguyễn Công Tư đại diện lãnh đạo huyện Bảo Yên (Lào Cai) thăm hỏi, động viên các gia đình có người thiệt mạng do mưa lũ tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Ảnh: VĂN LÝ

Trong mưa lũ, gia đình đồng chí Vũ Thị Tư trở thành điểm tựa để các gia đình hàng xóm vượt qua thời khắc hiểm nghèo. Tối 8-9, khi mưa xối xả bắt đầu gây ngập lụt, sạt lở một số điểm trong xã, có 4 gia đình hàng xóm với khoảng 10 người, trong đó có người già hơn 80 tuổi và trẻ nhỏ 3-4 tháng tuổi, đã tới nhà chị để lánh nạn. Chị bố trí cho bà con ở tạm, trong nhà còn gì mang ra hết để cùng ăn.

Gia đình chị Vũ Thị Tư cũng bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ. Nhà chị làm kinh tế trang trại, nuôi cá, chăn nuôi gà, lợn. Lũ đã cuốn trôi hết, không còn gì. Lúc ấy, chị còn đang làm nhiệm vụ, lo tìm kiếm người mất tích, ổn định đời sống nhân dân nên đành gác lại việc nhà. Mãi 25 ngày sau lũ, chị mới thăm được khu sản xuất, chăn nuôi của nhà mình thì chỉ thấy một màu trắng xóa của bùn đất. “Thiệt hại về kinh tế của gia đình tôi khá lớn, nhưng không thấm gì so với bà con bị mất cả người; có người còn chưa tìm thấy. Đó là động lực khiến tôi cố gắng hơn để sát cánh, lăn lộn với bà con nhân dân”, chị kể. Hai con gái của chị đã lập gia đình, sống ở thị trấn phố Ràng, nhà cũng bị ngập đến nóc, đồ đạc bị trôi và hỏng hết, chỉ chạy được người. Chị cũng không thể lên thăm các con ngay được. “Tôi nói với các con rằng, nhà mình người còn an toàn là may mắn, hạnh phúc quá rồi. Mẹ vẫn phải đi làm, người dân còn vất vả lắm. Mẹ chưa đến thăm các con, các cháu được. Các con cố gắng nhé”, chị Tư kể.

Nhờ sự cố gắng của chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của nhân dân, thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh) đã từng bước vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. “Chúng tôi thường xuyên họp dân Làng Nủ để chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bà con nhằm kịp thời giải quyết và đề xuất lên cấp trên những việc vượt thẩm quyền, khả năng. Mới hôm 9-11, chúng tôi đã họp 163 hộ tại Làng Nủ. Mọi người rất tin tưởng vào chính quyền, biết ơn sự giúp đỡ quý báu của cả nước với Làng Nủ”, chị Vũ Thị Tư nói.

Lo việc dân là trên hết, trước hết

Sau khi lo chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ nhân dân, đồng chí Lương Văn Soái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) chạy về nhà mình, thấy nhà đã bị lũ cuốn đi mất, chỉ còn lại hai cái cột. Đây là ngôi nhà mà vợ chồng anh tích góp mãi mới có tiền để xây, vừa hoàn thành vào đầu năm 2023. Hiện nay, gia đình vẫn còn nợ tiền xây ngôi nhà này.

Anh Soái nhớ lại, sáng 9-9, lũ trên sông Chảy dâng ngập úng nặng tại 3 thôn trong xã, có nơi bị ngập 3-4m trong nước lũ. Anh và các cán bộ xã, dân quân, công an địa phương giúp người dân sơ tán. Lúc này, xã bị nước lũ cô lập, mất điện, mất sóng điện thoại. Gia đình anh Soái ở thôn Ba Là cũng phải đi sơ tán. Đến 22 giờ ngày 9-9, quả đồi ở thôn Ba Là bất ngờ đổ sập xuống sông Chảy tạo thành cơn sóng cực lớn, cuốn tan 15 ngôi nhà tại thôn, làm 3 người chết. Cả đêm hôm ấy, anh và lực lượng chức năng lo cứu hộ, cứu nạn người dân. Đến khi trời sáng, anh Soái tìm về nhà mình thì bàng hoàng chẳng thấy nhà đâu, chỉ còn thấy hai cái cột chịu lực. Xung quanh nhà anh là biển nước mênh mông, trắng xóa. “Lúc ấy cảm giác buồn không thể tả được. Nhà tôi chỉ kịp chạy hai chiếc xe máy và cái tủ lạnh từ sáng, còn lại đồ đạc trong nhà đều bị cuốn trôi hết theo dòng nước lũ”, anh Lương Văn Soái nói.

Mất của, vợ anh giọng đượm buồn bảo: “Thôi của đi thay người. Còn người là còn của”. Cùng với đó, gia đình anh cũng bị mất trắng hết diện tích trồng quế, trồng lúa và ao nuôi cá, nuôi ếch. Sau đó, anh Soái vẫn phải tạm gác việc nhà, vội quay lại công việc giúp đỡ người dân. Lúc đó, phần lớn người dân trong xã không còn gạo ăn, nước uống. Anh chỉ huy việc làm thuyền để vượt lũ ra ngoài xin nhu yếu phẩm mang về tiếp tế cho bà con.

Hiện nay, vợ chồng anh Soái và hai con đang ở tạm tại cái lán trong khuôn viên nhà của một người họ hàng. Gia đình anh thuộc diện mất nhà nên được huyện hỗ trợ 100 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình anh được nhận thêm khoảng 70 triệu đồng từ sự ủng hộ của những đoàn thiện nguyện. Để đủ tiền làm nhà mới, gia đình anh tính phải vay ngân hàng thêm khoảng 200 triệu đồng nữa.

Theo chỉ đạo của huyện Bảo Yên, 40 hộ dân bị sập nhà hoàn toàn tại xã Xuân Thượng, cũng như các gia đình bị mất nhà khác trên địa bàn huyện, cố gắng làm lại nhà và hoàn thành vào ngày 31-12 tới. “Trong 40 hộ trên, còn 3 hộ chưa có đất làm nhà, đang phải tìm mua đất. Xã đề nghị huyện, tỉnh hỗ trợ cấp đất cho các hộ này. Bởi xã Xuân Thượng chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Dao, Mông, Tày. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã còn hơn 11%. Tôi mong có thêm các nguồn ủng hộ để bà con có đủ tiền xây nhà mới, đỡ phải vay mượn”, anh Soái nói. Còn về việc nhà mình, anh Soái cho biết, vợ anh cũng là đảng viên, vợ chồng động viên nhau trước mắt cứ lo cho người dân ổn định cuộc sống, rồi sau này vợ chồng sẽ cố gắng chăm chỉ lao động để gây dựng lại kinh tế gia đình.

(còn nữa)

HOÀNG GIA MINH - HỒ QUANG PHƯƠNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/dai-bieu-cua-dan-noi-tuyen-dau-gian-kho-bai-3-lo-cho-dan-truoc-803477