Đại biểu đánh giá: Một nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới, sáng tạo
Các đại biểu cho rằng những thành tựu của đất nước đạt được trong nhiệm kỳ qua giữa bối cảnh nhiều 'thách thức lớn chưa từng có'…
Chiều 25-3, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ của QH, Chủ tịch nước và Chính phủ.
Các đại biểu (ĐB) QH đều thống nhất hoạt động Nhà nước đã có một nhiệm kỳ sôi nổi, nhiều đổi mới, sáng tạo, tập trung khắc phục những hạn chế của nhiệm kỳ trước, có những kiến tạo và đã vượt qua khủng hoảng thành công. Đặc biệt, nhiệm kỳ đã tạo niềm tin sâu sắc cho người dân khi vượt qua đại dịch COVID-19, thiên tai…
Quốc hội lắng nghe, quyết định hợp lòng dân…
Nhận định về nhiệm kỳ của QH, hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng nhiệm kỳ qua QH đã có những bước đổi mới, phát huy được tinh thần dân chủ, thể hiện được nguyện vọng của nhân dân. Trong cả nhiệm kỳ, QH đã thông qua 72 luật, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Có những cái chưa hợp lòng dân đã được QH lắng nghe, đưa ra ngoài, ví dụ như Luật Đặc khu. “Tôi nhớ trước khi thông qua luật này đã nghe nhiều ý kiến phản đối của cử tri. Sau đó QH đã lắng nghe, thảo luận quyết liệt và quyết định không thông qua dự luật này. Kết quả đó được người dân hoan nghênh” - ĐB Thích Bảo Nghiêm nói.
Cũng theo hòa thượng, bản tổng kết nhiệm kỳ của QH đưa ra sáu bài học kinh nghiệm, trong đó nổi bật là bài học về tinh thần dân chủ, đoàn kết và quan trọng nhất là “bài học lấy dân làm gốc, lắng nghe dân và lấy người dân làm đối tượng thụ hưởng chính cho các quyết sách…”.
Về công tác lập pháp của QH, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) đề nghị cần xem xét lại, tính toán hợp lý về phương pháp thông qua các dự luật để tránh tình trạng “các ĐB day dứt khi bấm nút thông qua dự luật mà trong đó có nội dung mình không đồng ý”.
Cạnh đó, theo bà Tâm, báo cáo thẩm tra các dự luật của các ủy ban của QH cần “phải sắc sảo hơn, có chính kiến rõ ràng hơn”. Đặc biệt, ĐB Tâm tha thiết mong QH khóa XV ưu tiên sửa đổi Luật Đất đai ngay trong những nhiệm kỳ họp đầu tiên để giải quyết những bất cập hiện nay. Đồng thời, nhiệm kỳ tới QH sẽ tăng chất lượng, số lượng ĐB chuyên trách để hoạt động của QH mạnh hơn.
Còn ĐB Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) nhận định hoạt động nghị trường của QH nhiệm kỳ qua đã có những đổi mới, tạo điều kiện cho ĐB tranh luận, chất vấn, cũng như trình bày các vấn đề. Phát huy được vai trò của từng đoàn ĐBQH và mỗi ĐB. Bên cạnh đó, QH cũng yêu cầu nâng cao chất lượng giải trình đối với các bộ, ngành hơn trước, tuy nhiên các giải trình này cần phải đưa giải pháp để ĐB trả lời cho cử tri.
ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận định công tác giám sát rộng, quyết liệt nhưng có một số lĩnh vực chưa được quan tâm giám sát. “Thời lượng chất vấn chưa nhiều. Chất lượng thì tốt nhưng muốn nhiều nữa. Đặc biệt cử tri đề nghị lấy phiếu tín nhiệm ít nhất hai lần cho các thành viên Chính phủ và những người do QH bầu” - ĐB Nhưỡng nêu. ĐB Nhưỡng cũng chỉ rõ công tác giám sát của đoàn ĐBQH và cá nhân ĐB chưa cao, nhất là ĐB rất ngại đụng chạm đến vấn đề của địa phương. “Làm thế nào đây để giao chỉ tiêu giám sát cho ĐB. Nếu khóa XV làm được thì tôi cho rằng là “vĩ đại”” - ông nói.
Chính phủ hành động quyết liệt
Về nhiệm kỳ của Chính phủ, ĐB Đinh Duy Vượt cho hay trong bối cảnh kế thừa “di sản” nợ xấu, đại án, nhà máy thua lỗ... Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành và bây giờ từng bước khắc phục được.
“Khi nhậm chức, Thủ tướng thể hiện quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, kỷ cương. Điểm lại thì thấy Thủ tướng đã nói đi đôi với làm. Người đứng đầu Chính phủ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới địa phương với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” - ĐB Vượt nói.
Theo ĐB Vượt, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng để theo dõi, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ ở các bộ, ngành đã có tác động tích cực không chỉ với một bộ mà nhiều bộ, tới người đứng đầu, lan tỏa khi các tỉnh, thành cũng thực hiện kiểm tra các sở, ngành trong thực hiện công việc được giao.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhận định nhiệm kỳ qua Chính phủ đã giữ được tình hình ổn định, có nhiều thành tựu và đây là những công lao “không thể phủ nhận”. Tuy nhiên, ĐB Lan tỏ ra băn khoăn vì báo cáo của Chính phủ còn thiếu khá nhiều về công tác giáo dục, đào tạo. “Đọc toàn bộ báo cáo sẽ thấy chắc giáo dục VN đang cất cánh và rất khả quan, không có gì đáng lo ngại. Nhưng tôi thấy chúng ta vẫn loay hoay, nói hoài chuyện đổi mới giáo dục căn cơ thế nào, đào tạo con người ra làm sao…” - ĐB nói. ĐB Lan cũng nhắc tới vụ tiêu cực điểm thi gây mất niềm tin cho xã hội, rồi một nền giáo dục trọng vật chất đi ngược lại nguyên lý của chế độ ta… “Điều đó không chấp nhận được nhưng cuối cùng không có một dòng nào trong báo cáo này về những tiêu cực đó. Cần phải nói cho rõ, còn ai làm người nấy chịu và phải có xử lý rõ ràng, làm gương, răn đe cho người khác” - ĐB Lan nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước - trung tâm đoàn kết dân tộc
ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nhận xét: “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện xuất sắc vai trò của nguyên thủ quốc gia, biểu tượng, trung tâm của đoàn kết dân tộc, biểu tượng của niềm tin cho nhân dân”.
Cũng theo ông Hiểu, trong nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đã giải quyết được nhiều mối quan hệ đối ngoại, nhất là với các nước lớn, các tổ chức quốc tế, giúp tình hình đất nước ổn định. Trong đó có những vấn đề nhạy cảm, phức tạp đều được giải quyết linh hoạt, hài hòa, hiệu quả, lấy lợi ích dân tộc lên trên hết.
Còn ĐB Bùi Đặng Dũng (Kiên Giang) bày tỏ báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chủ tịch nước khiến ông tâm đắc, suy nghĩ rất nhiều. “Đây cũng là một nhiệm kỳ đặc biệt khi tình huống Tổng bí thư đảm nhận cương vị Chủ tịch nước giữa nhiệm kỳ trong bối cảnh đất nước và thế giới có rất nhiều biến động. Như cách nói hình ảnh của Thủ tướng thì vừa qua đất nước như một con tàu “vượt qua hải trình dồn dập bão tố”. Hình ảnh ấy rất sống động, một dân tộc vượt qua sóng bão, ghềnh thác rất bản lĩnh. Niềm tin của cử tri và uy tín quốc tế được nâng lên” - ĐB Dũng đánh giá.