Đại biểu đặt câu hỏi có hay không bong bóng chứng khoán, bất động sản
Trước Quốc hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi có hay không việc nhiều nhà đầu tư vay vốn ngân hàng, rồi lại quay vòng tiền đổ vào chứng khoán, bất động sản.
Ở ngày thứ hai thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đã bàn luận về kết quả thu chi ngân sách năm nay vẫn đạt dự toán, tuy nhiên, xét về cơ cấu thu còn một số vấn đề.
Bà cho biết thu ngân sách Trung ương hụt thu hơn 29.000 tỷ đồng, trong khi đó tổng thu ngân sách lại tăng trưởng. Bà đặt câu hỏi ngân sách tăng trưởng ở đâu?
Có hay không bong bóng chứng khoán, bất động sản?
“Thực tế cho thấy một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai. Có hay không hiện tượng nhiều nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng, lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra, rồi lại quay vòng tiếp. Vòng mới là tài sản, còn bong bóng là chứng khoán, bất động sản?”, đại biểu Thơ nêu vấn đề.
Theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạn cao. Bà đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.
Đối với việc phân bổ thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, Luật Ngân sách 2015 quy định sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết được phân bổ 100% vào ngân sách địa phương, tuy nhiên, nguồn thu này có sự chênh lệch cơ bản giữa các vùng. Năm 2021, chỉ riêng 19 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ đã chiếm 84,26% dự toán thu xổ số kiến thiết, còn lại là của 44 tỉnh thành còn lại.
Phân bổ ngân sách địa phương phụ thuộc vào nguồn thu của địa phương đó, nhưng đối với dạy nghề, giáo dục, y tế, bà Thơ cho rằng là những lĩnh vực thiết yếu, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước.
“Tờ trình 49 của Chính phủ về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 hiện dùng thuật ngữ 'ưu tiên đầu tư' chứ chưa định mức rõ, tôi đề nghị Chính phủ có quy định đầu tư phát triển đều cho các lĩnh vực dạy nghề, giáo dục, y tế trên cả nước, đặc biệt đối với các địa phương có số thu từ hoạt động xổ số kiến thiết thấp”, đại biểu tỉnh Hà Tĩnh nói.
Đối với giải pháp phát triển kinh tế số, bà Thơ cho rằng vấn đề cốt lõi ở đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Thực tế hiện nay, các du học sinh nhận được nguồn học bổng từ các trường đại học nước ngoài, nhiều em sau khi tốt nghiệp không trở về nước mà ở lại làm việc.
“Chính phủ cần có chiến lược, chính sách rất mạnh mẽ từ việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài trở về nước cống hiến”, bà Thơ nhấn mạnh.
Tăng năng suất lao động để tăng GDP lên 7-8% sau năm 2022
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Vân (Bình Dương) ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 khó khăn mà GDP vẫn đạt mức trưởng dương là kết quả ấn tượng, thể hiện nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân.
Theo ông, phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh đã khó, nhưng phát triển nhanh và bền vững càng khó hơn.
Đề cập mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 3,5% trong năm 2021 và 6,5% vào năm 2022, vị đại biểu cho rằng những năm sau 2022 sẽ phải tạo đà để đạt mức GDP 7-8% mới có thể bù đắp cho những năm đầu nhiệm kỳ nhiều biến động.
“Chúng ta có dư địa về năng suất lao động lớn nên nếu muốn tăng GDP có thể tăng năng suất lao động”, ông Vân nói và ví năng suất lao động của Việt Nam đang như “chiếc lò xo bị nén lại” và đây là dịp để bung ra, nhờ vào nâng cao kỹ năng và đổi mới công nghệ.
Đối với tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) đánh giá Việt Nam đang có cơ hội lớn đón làn sóng FDI thứ 4 cùng những cơ hội vàng để thu hút những tập đoàn đa quốc gia, những công ty tên tuổi về công nghệ. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu nhiều việc cần làm để nhà đầu tư yên tâm.
Theo ông Công, Việt Nam cần có quy định thống nhất về phòng, chống dịch từ Trung ương đến địa phương, trong đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi xuất - nhập cảnh. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng cũng được đề xuất đẩy mạnh để có điều kiện tốt nhất khi thực hiện các dự án FDI.
“Chúng ta cần nhấn mạnh việc chia sẻ rủi ro, coi thành công của nhà đầu tư nước ngoài là thành công của Việt Nam. Những khó khăn của nhà đầu tư cũng là việc chúng ta phải chia sẻ”, ông Nguyễn Thành Công kiến nghị và đề nghị bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa để có giải pháp tháo gỡ khi doanh nghiệp gặp khó.
Vị đại biểu đoàn Ninh Bình đề nghị tiếp tục giảm thủ tục, thời gian, chi phí tiếp cận thủ tục hành chính và có ưu đãi mang tính cạnh tranh quốc tế để thu hút các dự án lớn, trọng điểm vào Việt Nam trong thời gian tới.