Đại biểu đề nghị ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt.

Sáng 22-5, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Đối với Chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi Chương trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; thay đổi phạm vi sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đồng thời, bổ sung vào Chương trình 03 dự án luật, 06 dự thảo nghị quyết, bao gồm: 05 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình tại một kỳ họp; 01 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10; 01 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp; 01 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt (ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt (ảnh: Quốc hội)

Đáng quan tâm, phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đã đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu ban hành Luật bảo vệ người làm việc tốt.

Theo đại biểu, xã hội được điều chỉnh bởi nhiều hành vi mà hình thức là hành vi pháp luật và hành vi đạo đức. Do xã hội ngày càng phát triển và quy định pháp luật cũng ngày càng bao quát đến gần hết các hành vi của con người trong đời sống xã hội nên hành vi đạo đức dần bị thu hẹp.

“Nhiều việc chúng ta thấy người ngoài xã hội vô cảm trước những khó khăn, vô cảm trước các nguy hiểm có thể xảy ra với người khác.Theo tôi, trong một phần ít trong số đó là những người không tốt còn lại thì những người không giúp đỡ người khác là do họ có tâm lý sợ phiền hà, trách nhiệm về tâm lý, sợ bị hiểu nhầm.

Họ có thể giúp đỡ người khác không mong được trả ơn nhưng họ không làm bởi hành động của họ có rủi ro mà chưa được pháp luật bảo vệ. Bởi ngoài tự bảo vệ cho bản thân thì họ phải chăm lo cho gia đình”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ.

Vẫn theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, pháp luật nếu chỉ quy định việc tốt là nghĩa vụ thì sẽ bị hạn chế. “Để phát huy hành vi đạo đức trong xã hội, tôi đề nghị Quốc hội ban hành đạo luật bảo vệ người làm việc tốt mà nội dung chính là bảo vệ những người làm việc tốt khỏi những trách nhiệm về hành vi phạm tội, tránh phiền hà về thủ tục pháp lý, tránh bị tổn thương về thể xác, tinh thần. Miễn là người đó hành động hợp lý, thiện chí mà không đòi hỏi, kể công và cũng chống lợi dụng làm việc tốt để vi phạm pháp luật”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/dai-bieu-de-nghi-ban-hanh-luat-bao-ve-nguoi-lam-viec-tot-194142.html