Đại biểu đề nghị cân nhắc việc để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cần cân nhắc việc để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm bởi sẽ gặp tình trạng xung đột lợi ích.
Xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối
Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nhiều vấn đề về sở hữu chéo, giới hạn cấp tín dụng, ngân hàng làm đại lý bảo hiểm… được các đại biểu thảo luận.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn tỉnh Đồng Nai) cho rằng đây là một dự án luật rất khó, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, thậm chí là đến an ninh trật tự và do đó cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cẩn trọng. Các quy định của dự thảo Luật phải hướng tới mục tiêu kép, đó là tạo cơ chế để xây dựng, thúc đẩy hệ thống tín dụng phát triển mạnh khỏe nhưng phải an toàn để làm bệ đỡ cho nền kinh tế.
Thực tế qua vụ việc của ngân hàng SCB cũng như thực trạng đánh giá một số ngân hàng hiện nay, đại biểu cho rằng có 3 vấn đề: Một là sở hữu chéo; hai là chi phối và ba là thao túng đối với hệ thống tín dụng, hệ thống ngân hàng, đang tạo ra những rủi ro, những vấn đề hết sức cấp bách cần xử lý.
Đại biểu cho rằng, cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đang nằm ở vấn đề quản trị, để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân, tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Do đó, Luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân, tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định cho hoạt động của ngân hàng…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn tỉnh Hải Dương) cho rằng, thời gian qua, các tổ chức tín dụng có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng hoặc cũng có hiện tượng cho vay doanh nghiệp sân sau hoặc mua trái phiếu doanh nghiệp sân sau. Do vậy, cần sửa đổi quy định về giới hạn cấp tín dụng, giảm mức dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan để hạn chế rủi ro tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng lớn.
Tuy nhiên, việc quy định giảm ngay giới hạn cấp tín dụng xuống 10% và 15% so với hiện tại là 15% và 25% sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định về giới hạn cấp tín dụng theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan theo những lộ trình cụ thể để đảm bảo giảm dần giới hạn cấp tín dụng, tránh việc tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, hạn chế tập trung tín dụng vào một nhóm khách hàng. Đồng thời tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác và đề nghị giao Chính phủ sẽ cụ thể hóa lộ trình này.
Bảo vệ quyền lợi của người yếu thế
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng dự thảo Luật cần cân nhắc việc để ngân hàng làm đại lý bảo hiểm bởi sẽ gặp tình trạng xung đột lợi ích.
Đại biểu cũng đề nghị thiết kế phù hợp các cơ chế bảo vệ quyền lợi của người yếu thế bởi trong mối quan hệ giữa khách hàng với các tổ chức tín dụng thì hầu hết khách hàng đều yếu thế, kể cả về kiến thức cũng như các điều kiện khác.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề nghị bổ sung: “Không cho phép các tổ chức tín dụng liên kết với các công ty bảo hiểm để giao cho nhân viên ngân hàng vận động khách hàng mua bảo hiểm”, giống như trường hợp Manulife vừa qua gây bức xúc cho khách hàng.
“Nếu cho phép liên kết, ngân hàng phải chịu trách nhiệm liên đới khi có sự cố xảy ra với khách hàng, như xảy ra vừa qua người dân đến khiếu nại, ngân hàng trả lời không biết và không có trách nhiệm, người môi giới thì ngân hàng đã cho nghỉ việc. Đây là vấn đề cũng rất quan trọng, cần phải có sự quan tâm nhiều hơn của Ngân hàng Nhà nước”, đại biểu nói.
Ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ
Phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo, yêu cầu phải xử lý triệt để.
Theo Thống đốc, cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ, đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương. Đặc biệt phải có một hệ thông tin về doanh nghiệp, về cá nhân để mình xác thực được họ là ai và họ có liên quan như thế nào với doanh nghiệp đi vay vốn là những người có liên quan. Trong dự thảo Luật này thì đã quy định với những cổ đông mà nắm giữ trên 1% cổ đông thì phải công bố rất công khai.
Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng, trong dự thảo Luật này thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế thì cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%. Ở đây Ủy ban Kinh tế và Thường vụ Quốc hội cũng nêu có thể sẽ giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng, họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Hội đồng quản trị và Ban điều hành.