Đại biểu đề nghị điều chỉnh lại diện tích và thời lượng quảng cáo
Thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là… thiếu quảng cáo.
Chiều 25-11, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Vấn đề quảng cáo trên báo in, báo điện tử, truyền hình tiếp tục thu hút sự quan tâm của các đại biểu (ĐB) và được đưa ra thảo luận sôi nổi.
Đề nghị cho cơ quan báo chí tự quyết diện tích quảng cáo báo in
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho hay hiện thị phần quảng cáo trên báo in đang giảm mạnh. Do đó, ĐB cho rằng việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in chưa giải quyết được căn bản khó khăn của các cơ quan báo chí trong việc thực hiện tự chủ tài chính. ĐB đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống, để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu của bạn đọc và thị trường.
Cũng góp ý về nội dung này, ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho biết theo dự thảo thì Điều 21 của Luật Quảng cáo năm 2012 được sửa đổi, bổ sung, diện tích quảng cáo không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
ĐB Thúy cho hay hiện nay phần lớn các cơ quan báo chí hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính nên phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi số lượng người xem sụt giảm, khách hàng không còn đầu tư nhiều vào quảng cáo trên các phương tiện này. Vì vậy, các cơ quan báo chí phải áp dụng mọi biện pháp để tăng nguồn thu cho đơn vị, trong đó có tối ưu hóa lợi nhuận từ các hoạt động quảng cáo.
Tuy nhiên, ĐB Thúy cho rằng cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.
ĐB Thúy đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một ấn phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Tranh luận về diện tích quảng cáo trên báo in, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết các ý kiến của các ĐB Quốc hội đều nêu quan điểm việc nới diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giúp cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn cơ chế tự chủ tài chính và tốt hơn trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan báo chí gặp khó khăn không phải vì thiếu diện tích quảng cáo mà khó nhất là… thiếu quảng cáo. Hiện các doanh nghiệp, nhà quảng cáo có nhiều phương thức quảng cáo khác hiệu quả hơn báo in.
Theo ĐB Nghĩa, thị trường có thể biến động, do đó ông ủng hộ phương thức nên giao cho các cơ quan báo chí tự chủ diện tích quảng cáo này như ý kiến của ĐB Phạm Văn Hòa.
“Có nhiều cách để điều tiết vấn đề này, tuy nhiên nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tức là các cơ quan báo chí đặc thù, báo do ngân sách nhà nước bảo đảm thì Chính phủ quy định chi tiết. Còn lại nên quy định mở, vì quản thì không xuể, quy định như vậy sẽ cởi mở và hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường hiện nay khi người đọc rất tinh tường, sẽ lựa chọn những sản phẩm đứng đắn, đàng hoàng và có trách nhiệm với công chúng, với xã hội” - ĐB Nghĩa nói.
“Phim quá ngắn còn quảng cáo thì quá dài”
Bên cạnh đó, các ĐB cũng quan tâm, thảo luận về vấn đề quảng cáo trên báo nói, báo hình. ĐB Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho biết Điều 22 của Luật Quảng cáo hiện hành quy định mỗi chương trình phim truyện không được để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 5 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 5 phút.
Quy định này đã dẫn đến hai thực trạng. Đầu tiên, các đài truyền hình sẽ điều chỉnh giảm thời lượng mỗi tập phim trong khi vẫn áp dụng quy định ngắt để quảng cáo như trên gây bức xúc cho người dùng dịch vụ truyền hình phải tiếp nhận các thông tin quảng cáo không mong muốn, “phim quá ngắn còn quảng cáo thì quá dài”.
Thứ hai, việc cắt thời lượng phim, chương trình có thể ảnh hưởng đến quyền tác giả của các tác phẩm như biên kịch, đạo diễn tác phẩm điện ảnh thông qua các thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Do vậy, việc sửa Luật Quảng cáo lần này cần phải giải quyết được các bất cập trên và cân bằng lợi ích giữa đài truyền hình và người sử dụng dịch vụ truyền hình.
Theo ĐB Thúy, trong dự thảo luật hiện tại đã quy định rõ hơn phạm vi thời lượng quảng cáo đối với chương trình vui chơi giải trí/phim; gia tăng thời gian quảng cáo và số lần quảng cáo. Tuy nhiên vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người xem truyền hình.
ĐB Thúy cho rằng để cân bằng được lợi ích giữa các đài truyền hình với người sử dụng dịch vụ truyền hình, cần điều chỉnh quy định số lần ngắt, thời gian quảng cáo phù hợp, còn như dự thảo là quá nhiều.
Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng 5%-10%, đồng thời cần xem xét quảng cáo trong thời điểm nào cho phù hợp.
Sẽ phối hợp với các cơ quan hoàn thiện quy định
Trước phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ký văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐB Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ về dự luật.
Tại thảo luận tổ trước đó, một số ý kiến cho rằng thời lượng để quảng cáo như quy định của dự thảo là nhiều, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh thời gian quảng cáo cho phù hợp hoặc giữ nguyên như quy định hiện hành. Một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc thay đổi thời lượng quảng cáo. Trên cơ sở đó, có quy định quảng cáo hợp lý, tránh việc ngắt quá nhiều lần đối với phim truyện.
Các ĐB cũng đề nghị quy định cụ thể mốc thời lượng của chương trình vui chơi giải trí tương tự với số lần quảng cáo được ngắt để quảng cáo nhằm đảm bảo chất lượng của chương trình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết xin tiếp thu và sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT, Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan báo chí nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với người xem để hoàn thiện quy định, bảo đảm các quảng cáo xuất hiện hợp lý, đáp ứng nhu cầu của người xem phim, tránh việc ngắt quá nhiều lần đối với phim truyện.
Đối với ý kiến đề nghị đánh giá tác động chính sách làm rõ căn cứ để tăng tính thuyết phục cho việc tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền từ 5% lên 10%, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng xin tiếp thu và giữ nguyên quy định về thời lượng quảng cáo trên truyền hình trả tiền không vượt quá 5% như Luật Quảng cáo năm 2012.