Đại biểu đề nghị giám sát quá trình phát triển nhà ở xã hội
Đại biểu Quốc hội đề nghị nội dung giám sát nhà ở xã hội cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.
Đề xuất 4 chuyên đề giám sát
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, các chuyên đề giám sát được lựa chọn là các vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Đồng thời, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật; không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật mới có hiệu lực thi hành trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm đề xuất...
Căn cứ vào tiêu chí lựa chọn cũng như qua nghiên cứu kiến nghị của cử tri, điểm báo, qua rà soát các nội dung đã thực hiện, cân đối các lĩnh vực và từ tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 4 chuyên đề (tại phiên họp tháng 4/2023).
Trên cơ sở tổng hợp kết quả lựa chọn của thành viên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất lựa chọn 4 chuyên đề giám sát năm 2024 để trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát.
Cụ thể, chuyên đề 1, việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia;
Chuyên đề 2, việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan;
Chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan;
Chuyên đề 4, việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan;
Cũng tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông tin, giải trình thêm về một số nội dung được nhiều cơ quan đề xuất nhưng sau khi cân nhắc nhiều mặt, chưa được lựa chọn.
Chẳng hạn như các đề xuất liên quan đến môi trường, khai thác khoáng sản, xử lý chất thải tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; thị trường chứng khoán, trái phiếu và các tổ chức tín dụng...
Đề nghị giám sát đối tượng mua và sống trong nhà ở xã hội
Góp ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tại phiên họp, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ đồng tình với các chuyên đề giám sát. Tuy nhiên, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát trật tự, an toàn giao thông, đại biểu cho rằng cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát hoạt động lập pháp.
Nhất trí với chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan", đại biểu Lê Thanh Hoàn - đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chuyên đề này cần tập trung hơn vào phát triển, quản lý nhà ở xã hội, vì chính sách nhà ở xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
"Tuy pháp luật, chính sách đã có, nhưng việc triển khai nhà ở xã hội cho người dân còn nhiều khó khăn, còn khoảng cách xa so với mục tiêu, nhu cầu đặt ra", đại biểu nhấn mạnh và cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng hơn cách xác định đối tượng mua nhà ở xã hội còn xảy ra nhiều tranh luận.
Để phát triển nhà ở xã hội đạt yêu cầu, đại biểu cho rằng cần định hình rõ chính sách, hỗ trợ đúng đối tượng thụ hưởng, hạn chế tối đa việc trục lợi chính sách.
Đại biểu đề nghị phạm vi giám sát cần toàn diện, có sự đánh giá xuyên suốt quá trình phát triển nhà ở, thời gian giám sát cần bắt đầu từ năm 2006 (thời điểm có hiệu lực của Luật Nhà ở 2005) cho đến năm 2023, để quán triệt tốt chủ trương của Đảng trong việc giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng nội dung giám sát cần trả lời được các vấn đề ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội; thực trạng sử dụng nhà ở xã hội; cơ sở hạ tầng, khoảng cách nhà ở xã hội đến chỗ làm việc của người dân, khoảng cách đến các cơ sở địa phương.
Cùng với đó, tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội, thực trạng nhà ở xã hội trong thời gian qua ra sao, việc thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội như thế nào?