Đại biểu đề nghị thành phố Hồ Chí Minh cũng thí điểm như Hà Nội

Ngày 29/10, tiếp tục Chương trình làm việc, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021- 2026.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, trung tâm chính trị - hành chính Quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội của cả nước. Mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện hành của thành phố Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, chưa tạo được sự khác biệt giữa khu vực đô thị và nông thôn.

Đại biểu đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cũng thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường như Hà Nội

Đại biểu đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cũng thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường như Hà Nội

Những thách thức về đô thị hóa, hội nhập quốc tế, sự gia tăng dân số, áp lực về hạ tầng cơ sở, môi trường, an ninh trật tự... đòi hỏi một mô hình quản lý phù hợp với đặc thù đô thị của Thủ đô, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố và cấp quận, thị xã; chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường đã không còn phù hợp đối với Thủ đô Hà Nội, ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013 đã có quy định mở về các mô hình tổ chức chính quyền địa phương khác nhau phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội cũng đã xác định “Đối với những việc mới, chưa có quy định hoặc quy định không còn phù hợp thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.

Dự thảo Nghị quyết gồm 10 điều, trong đó quy định việc thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo đó, tại những phường thực hiện thí điểm, HĐND phường chấm dứt hoạt động khi nhiệm kỳ 2016 - 2021 kết thúc, Ủy ban nhân dân (UBND) phường nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiếp tục hoạt động cho đến khi UBND phường nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thành lập. Khi thực hiện thí điểm thì một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường hiện nay sẽ được chuyển giao cho chính quyền địa phương các cấp của thành phố Hà Nội để bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn phường được thực hiện thông suốt, không bị bỏ sót.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình về dự thảo, cơ bản các đại biểu Quốc hội đều đồng tình với việc thí điểm không tổ chức HĐND tại 177 phường thuộc 12 quận, thị xã Sơn Tây của Hà Nội, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tiễn HĐND phường ở một số đô thị thời gian qua hoạt động còn hình thức, mà cái gì còn hình thức, chưa thực sự hiệu quả thì có thể bỏ. Nếu bỏ HĐND cấp phường thì cơ cấu HĐND quận làm sao phải bao quát, đại diện cho tất cả các phường.

"Phải tổ chức tiếp xúc cử tri, tổ chức các đường dây nóng để người dân ở các phường được tiếp cận, tiếp xúc với đại biểu HĐND quận, do chính người ta bầu ra. Quan trọng hơn cả là phải giải quyết nguyện vọng của cử tri một cách kịp thời", ông Nghĩa phát biểu.

Tham gia góp ý kiến cho dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh cũng ủng hộ thí điểm không tổ chức HĐND phường tại Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đại biểu Quyết Tâm cũng nhắc lại, thực tế trước đây chúng ta cũng đã thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, huyện tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, việc không tổ chức HĐND ở cấp phường không khác nhiều so với việc đã thí điểm. “Không lo chuyện không có người đại diện cho dân, vấn đề chỉ là ai đại diện, nếu không tổ chức ở cấp quận, huyện, phường thì HĐND Thành phố sẽ là đại diện cho dân. Nhưng mục tiêu phải là giảm biên chế bền vững, muốn vậy đồng thời với việc không tổ chức HĐND cấp phường thì phải tổ chức lại bộ máy, phân định lại nhiệm vụ chức năng cho rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp thì giảm biên chế mới hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho dân”, bà phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ, nếu chỉ tổ chức 2 cấp HĐND thì nên là HĐND cấp phường và cấp tỉnh, mà không tổ chức ở cấp quận (vì là cấp trung gian). Tuy nhiên, cần cơ cấu lại HĐND cấp phường, vì cấp phường có thể giải quyết được nhiều vấn đề cụ thể (an sinh xã hội, rác, môi trường…).

Đáng lưu ý, đại biểu Quyết Tâm đưa ra đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên đề xuất Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội cho phép triển khai thí điểm cùng với Thành phố Hà Nội nhằm có thêm cơ sở thực tiễn để xem xét nhân rộng. “Thành phố Hồ Chí Minh cũng là thành phố đặc biệt, đại diện cho phía Nam, có tính đặc thù riêng, đặc biệt Thánh phố Hồ Chí Minh đã có Đề án chính quyền đô thị khá hoàn chỉnh, đã được trình tới Bộ Chính trị”, đại biểu Quyết Tâm nêu lí do.

Tuấn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dai-bieu-de-nghi-thanh-pho-ho-chi-minh-cung-thi-diem-nhu-ha-noi-98779.html