Đại biểu đề xuất cần giữ quyền được chất vấn chánh án TAND, viện trưởng VKSND
Các đại biểu đề xuất giữ lại quyền của đại biểu HĐND trong việc chất vấn chánh án TAND và viện trưởng VKSND tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Chiều 7-5, tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, nêu ý kiến là về khoản 2 Điều 115. Theo đó, dự thảo nghị quyết quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND và người đứng đầu cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND. Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu.
Như vậy, so với Hiến pháp 2013, dự thảo Nghị quyết đã bỏ quy định Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND, vì sẽ có TAND và VKSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh: NT
Nêu ý kiến, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị nghiên cứu lại nội dung này vì hiện nay chúng ta đang thực hiện theo cơ chế kiểm soát quyền lực, HĐND là hệ dân cử, còn tòa án và viện kiểm sát là bên nhánh tư pháp.
“Chúng tôi thấy rằng nên giữ lại quyền của đại biểu HĐND trong việc chất vấn chánh án TAND và viện trưởng VKSND. Điều này cũng thể hiện được sự dân chủ và lâu nay quyền này đang phát huy rất tốt” – ông Nghĩa nói.
Cũng nêu ý kiến về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM, nhìn nhận khi thực hiện Nghị quyết 18, các VKSND, TAND quận, huyện được sáp nhập và trở thành đơn vị khu vực. Khi trở thành đơn vị khu vực thì lại trực thuộc tỉnh.
"Do vậy, trong điều luật chỉ cần thêm nội dung “đại biểu HĐND có quyền chất vấn chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương” là đầy đủ, bao quát được vấn đề" - ĐB Sang đề xuất.
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) thì nói hiện nay chúng ta có HĐND tỉnh và HĐND cấp xã. Tuy nhiên, chỉ có HĐND tỉnh, thành mới có quyền chất vấn chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, chánh án TAND, viện trưởng VKSND cấp tỉnh, còn cấp xã không có những chức danh này.
“Tới đây, chúng ta sẽ có tòa án khu vực, viện kiểm sát khu vực” – ĐB Ngân nói và đề xuất bổ sung thêm nội dung “đại biểu HĐND tỉnh, thành được quyền chất vấn chánh án TAND và viện trưởng VKSND, còn HĐND cấp xã chất vấn chủ tịch UBND và các thành viên UBND”.
ĐB-GS Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng nên giữ lại quyền chất vấn của đại biểu HĐND với chánh án và viện trưởng VKS. Bởi theo ông, HĐND là cơ quan dân bầu cử trực tiếp, đại diện cho lợi ích và quyền lợi người dân.
“Bất cứ hệ thống nào nếu không có sự giám sát của nhân dân đều có nguy cơ dẫn đến độc quyền và tha hóa” – ĐB Nhân nói và đề xuất khi bỏ cấp huyện thì trao quyền chất vấn người đứng đầu tòa án và viện kiểm sát cho HĐND cấp tỉnh.
Cũng theo ông, người dân thường rất ngại đến cơ quan tố tụng. Có những vụ việc họ thấy không công bằng nhưng không biết hỏi thế nào. Vậy nên phải giữ lại cơ chế để HĐND đại diện cho họ chất vấn và giám sát người đứng đầu tòa án, viện kiểm sát.
Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng đồng tình với đề xuất giữ nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND. Bà đề nghị cơ quan soạn thảo giải thích thêm vì sao bỏ quy định này trong dự thảo.
Theo giải trình của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, việc chất vấn đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND dân hiện nay chỉ thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.
Sắp tới, thực hiện chủ trương của Đảng về kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện sẽ không tổ chức TAND, VKSND dân cấp huyện mà thay thế bằng các TAND và VKSND dân khu vực. Các cơ quan này không gắn với một đơn vị hành chính cụ thể nên sẽ không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
Do vậy, Ủy ban đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng không quy định chánh án TAND, viện trưởng VKSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.