Đại biểu Hà Sỹ Huân: Cần bổ sung quy định quyền nhân thân, quyền tài sản

Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều 26/10, đại biểu Hà Sỹ Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã có ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo Luật này.

Đại biểu Hà Sỹ Huân- Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham gia thảo luận từ điểm cầu tỉnh Bắc Kạn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ chiều 26/10.

Đại biểu Hà Sỹ Huân bày tỏ quan điểm nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung quy định trong dự thảo và có ý kiến đối với một số nội dung cụ thể:

Về tác giả, đồng tác giả (Điều 13a của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 3, Điều 1 của dự thảo Luật), trong dự thảo Luật quy định “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”. Đại biểu cho rằng việc quy định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học nghệ thuật là hợp lý; còn đối với khoa học thì không thể dùng với thuật ngữ sáng tạo mà phải là nghiên cứu. Do đó đề nghị Ban soạn thảo xem xét định nghĩa lại khái niệm.

Đại biểu cho rằng dự thảo Luật chưa quy định rõ, cụ thể việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả với việc thực hiện quyền của tập thể tác giả. Do tác phẩm đồng tác giả là một tác phẩm chung không thể khai thác riêng lẻ theo từng phần nên quyền tác giả đối với tác phẩm đó là của chung các đồng tác giả. Việc thực hiện các quyền nhân thân hay tài sản của mỗi đồng tác giả sẽ liên quan hay bị ràng buộc với các đồng tác giả khác. Để có căn cứ cụ thể cho việc áp dụng, đại biểu đề nghị Luật cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.

Đại biểu đề nghị bổ sung cụ thể hình thức tuyên bố của chủ văn bằng (bằng văn bản hay hình thức khác) về hủy bỏ quyền đối với trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ.

Về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt vi phạm hành chính (Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi bổ sung theo khoản 90, Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu đề nghị lựa chọn phương án 1: Biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng; các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ không bị xử phạt hành chính mà chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự. Phương án này đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy định pháp luật và không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể có quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời giảm gánh nặng không cần thiết cho ngân sách nhà nước và phù hợp với định hướng “tăng cường vai trò của tòa án trong giải quyết các vụ việc về sở hữu trí tuệ” đã được đề ra trong Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 cũng như thực tiễn của các nước trên thế giới./.

N.V

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/chinh-tri/202110/dai-bieu-ha-sy-huan-can-bo-sung-quy-dinh-quyen-nhan-than-quyen-tai-san-5af0252/