Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XVIII, sáng 23-7, HĐND tỉnh tổ chức thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh 6 tháng đầu năm; phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và các nhiệm vụ quan trọng khác.

11h45: Phiên họp buổi sáng kết thúc.
Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục nghe và thông qua các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp.

10h35: Đại biểu tiếp tục thảo luận.

Đại biểu Bàn Thu Hằng, huyện Hàm Yên cho biết, cần có giải pháp cụ thể đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cam sành Hàm Yên như: Quảng bá, hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Hiện huyện Hàm Yên có 5 xã chưa được xây dựng trụ sở, cần phân bổ kinh phí xây dựng trụ sở để đảm bảo cơ sở vật chất làm việc cho cán bộ. Việc giải quyết vấn đề thiếu đất ở, lâm nghiệp, nông nghiệp cho các hộ di dân tái định cư. Một vấn đề nữa đại biểu nêu ra là các cấp, ngành cần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cảnh giác, tố giác tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội.

Về thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh, đại biểu Hoàng Thị Nụ cho rằng đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc triển khai ở cơ sở còn nhiều vướng mắc như việc triển khai Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh, mới lắp đặt, hoàn thành cấu kiện. Cần quan tâm việc đắp lề đường, mang kênh để đảm bảo tuổi thọ cho công trình. Việc thực hiện Nghị quyết 04, 05 của HĐND tỉnh còn chậm do công tác tuyên truyền yếu kém, việc triển khai ở cơ sở còn lúng túng khiến nhân dân chưa nhận thức sâu sắc được ý nghĩa thực hiện các nghị quyết. Vì vậy, cần đẩy mạnh các giải pháp, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp để nghị quyết đi vào cuộc sống.

Đại biểu Đỗ Thị Nhung, huyện Sơn Dương nêu việc chậm tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do nhiều vướng mắc tài sản trên đất, do việc sử dụng đất sai phạm của các hộ gia đình. Đại biểu kiến nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chính quyền địa phương rà soát, quản lý chặt chẽ diện tích đất do nông lâm trường trả lại để tránh tình trạng lấn chiếm trái phép. Đối với việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, cần nâng cao nhận thức cho người dân, đánh giá hiện trạng, hiệu quả của hoạt động của các đơn vị, cá nhân thực hiện.

Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Thành Công

Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Thành Công

Về vấn đề xây dựng nông thôn mới, đại biểu Lê Thị Thanh Trà cho rằng, 2 chủ thể trong xây dựng nông thôn mới là cấp chính quyền cơ sở và người dân. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chưa nêu cao trách nhiệm trong việc quản lý các công trình được xây dựng theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ các công trình nông thôn mới chưa cao. Việc xây dựng kế hoạch giảm nghèo ở các xã còn chậm. Những xã không trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, nhiều cán bộ xã chưa chủ động, lúng túng. Đối với người dân, còn nhiều nơi không hiểu đúng vai trò chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, còn trông chờ, ỷ lại.

Đại biểu Trương Ngọc Phượng, huyện Chiêm Hóa cho biết, đối với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nhiều sản phẩm mới dừng lại ở sơ chế, chưa có bao bì sản phẩm, quy mô sản xuất nhỏ lẻ…Vì vậy, cần củng cố kiện toàn các hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, vấn đề ô nhiễm, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập. Nguyên nhân do ý thức của người dân chưa cao, trang thiết bị thu gom, xử lý rác thải còn thiếu. Vì vậy, cần tập trung tuyên truyền hạn chế tối đa việc sử dụng rác thải nhựa, khó phân hủy; khuyến khích doanh nghiệp tham gia thu gom, xử lý rác thải; nâng cao trách nhiệm các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội.

Đại biểu Vương Thị Mị, huyện Yên Sơn cho biết, việc thông tin tuyên truyền qua trạm truyền thanh không dây cần được quan tâm, rà soát, bố trí kinh phí để lắp đặt mới, sửa chữa. Cần nâng cao ý thức người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong việc sử dụng thuốc diệt cỏ, bảo vệ môi trường.

Ông Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các đại biểu tại kỳ họp. Đối với công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với đất do nông lâm trường trả lại, tỉnh đã hoàn thành việc kê khai diện tích đất được trả lại, công tác cấp iấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 95% kế hoạch. Đối với diện tích chưa được cấp giấy, Ssở đã và đang tiến hành rà soát, đo đạc những diện tích có quyết định thu hồi. Đối với vấn đề thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, Sở đã có văn bản gửi các huyện, thành phố việc xây dựng các bể xử lý. Thời gian tới, Sở tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Ông Vũ Đình Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo cho rằng, đối với việc thanh toán kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh tháo gỡ giải quyết dứt điểm trong năm học 2019 - 2020. Việc huy động trẻ đi nhà trẻ, Sở tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp các huyện, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân, thực hiện dồn ghép các điểm trường, tuyển dụng giáo viên mầm non theo chỉ tiêu biên chế được giao; tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học để đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ đến trường năm học 2019 - 2020.

Kết luận phiên thảo luận buổi sáng, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn hoan nghênh các đại biểu đã có ý kiến chất lượng, giải trình, phân tích cụ thể. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục khó khăn trên tinh thần cơ sở khó khăn vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó; đẩy mạnh việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đề nghị các ban, tổ đại biểu HĐND tiếp tục giám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, phấn đấu đến tháng 12 - 2019 hoàn thành vượt và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra.

10h20: Với vai trò đại biểu HĐND vừa là Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại biểu Nguyễn Văn Việt cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi. Thời gian tới, ngành tập trung quyết liệt các giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà ngành đã đề ra, trước mắt là phòng chống dịch tả lợn châu Phi, không để phát sinh dịch bệnh; chủ động các các biện pháp ứng phó với các diễn biến thời tiết cực đoan; thực hiện tốt các đề án, các cơ chế chính sách của ngành đối với phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới. Không chuyển đổi diện tích mía phế canh sang trồng cây dài ngày.

Đối với vấn đề môi trường nông thôn, đại biểu đề nghị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trong đội ngũ hệ thống cán bộ công chức cấp xã.

9h45: Đại diện một số sở, ngành giải đáp ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tỉnh.

Ông Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Đối với việc đo đạc, cắm mốc diện tích đất nông lâm trường trả lại địa phương, Sở sẽ phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường giải quyết. Đối với hỗ trợ kinh phí dập dịch tả lợn châu Phi, hỗ trợ 80% giá thị trường, Sở đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện hỗ trợ tiêu hủy, mức hỗ trợ ngày công lao động cho người tham gia dập dịch.

Đối với vấn đề huy động trẻ đến trường, Sở đã chủ động cân đối nguồn lực, chi thường xuyên cho mua sắm thiết bị học tập cho 3 địa phương.

Đối với công tác thu ngân sách Nhà nước, đại biểu khẳng định, với tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước từ 2016 đến 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, mục tiêu tổng thu ngân sách vẫn đảm bảo theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Thực hiện việc mua sắm tập trung, ngay từ đầu tháng 7, Sở Tài chính đã thực hiện đấu thầu trên mạng và lựa chọn nhà thầu cung cấp, sau kỳ họp này, Sở sẽ khẩn trương triển khai kinh phí mua sắm trang thiết bị tập trung.

Chủ tọa kỳ họp Nguyễn Văn Sơn đề nghị Sở Tài chính ngay sau kỳ họp phải sớm đề xuất, thống nhất cách chi trả, hỗ trợ tới các hộ nông dân chịu thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi.

Ông Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính. Ảnh: Thành Công

Ông Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính. Ảnh: Thành Công

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Thành Công

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Thành Công

8h00: Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đề nghị đại biểu bám sát chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh để thảo luận, đánh giá.

Đồng chí đề nghị các đại biểu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung thảo luận về các vấn đề còn vướng mắc như: Tốc độ giải ngân các nguồn vốn, quản lý tài nguyên môi trường, thực hiện các cơ chế chính sách HĐND tỉnh ban hành; những khó khăn trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; các chương tình giám sát chuyên đề của HĐND; báo cáo của các cơ quan chức năng giải quyết vướng mắc sau kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII. Đồng chí nhấn mạnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần coi trọng việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn từ cơ sở, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.

Chủ tọa điều hành phiên họp. Ảnh: Thành Công

Chủ tọa điều hành phiên họp. Ảnh: Thành Công

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Việt Phương nêu, hiện nay người dân còn khó khăn trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các nông lâm trường trả lại cho địa phương. Đại biểu tán thành việc thực hiện các nghị quyết liên quan phát triển nông lâm nghiệp như: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng chí đề nghị HĐND xem xét nên phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển dịch vụ du lịch; hỗ trợ chăn nuôi trâu, lợn tập trung, cần quan tâm phát triển đàn bò.

Đại biểu Hoàng Việt Phương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Hoàng Việt Phương thảo luận tại phiên họp. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Đàm Thị Vân Anh đề cập đến 2 vấn đề. Thứ nhất, tình hình sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện gặp khó khăn như diện tích mía phế canh nhiều do giá mía giảm, chậm chi trả tiền cho nhân dân. Giá cả thị trường không ổn định, dịch tả lợn Châu Phi thời gian qua đã ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi. Việc thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi khó khăn. Thứ hai, vướng mắc thực hiện trích trả kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Đại biểu đề xuất, các sở ngành liên quan cần thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm; chỉ đạo khẩn trương, cụ thể hóa các chính sách cho các hộ chăn nuôi lợn để người dân ổn định, tập trung nguồn lực chuyển đổi đàn vật nuôi hoặc tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn; cần có giải pháp giải quyết vướng mắc thực hiện trích trả kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền cho rằng, hiện tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ và tình hình chăm sóc, giáo dục trẻ còn thấp so với các tỉnh trong khu vực. Việc học ghép gây khó khăn công tác giảng dạy...chủ yếu ở huyện Hàm Yên, Sơn Dương, TP Tuyên Quang. Nguyên nhân do mạng lưới cơ sở vật chất giáo dục mầm non còn khó khăn, thiếu giáo viên. Đại biểu đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn như: Sử dụng nhà văn hóa thôn làm lớp học mầm non; khuyến khích phát triển cơ sở mầm non ngoài công lập; hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng học, trang thiết bị học tập, trả lương cho giáo viên; tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đưa trẻ đến lớp.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền thảo luận về việc huy động trẻ đi nhà trẻ. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền thảo luận về việc huy động trẻ đi nhà trẻ. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Đỗ Trung Kiên đề cập đến việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mặc dù tăng bậc, nhưng tỉnh còn có 3 chỉ số thành phần giảm. Nguyên nhân là do số lượng doanh nghiệp phát triển chưa nhiều; trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu, công tác kết nối và đào tạo lao động chuyên sâu yếu. Nhằm phát triển môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh cần có nhiều giải pháp cải thiện chỉ số PCI như: Sớm ban hành đề án hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường tuyên truyền hội nhập kinh tế quốc tế, đào tạo nhân lực, quảng bá xúc tiến, đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin...

Đại biểu Khánh Thị Xuyến cho biết, mục tiêu năm 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước toàn tỉnh đạt 2.300 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu ngân sách hơn 1.007 tỷ đồng, đạt trên 48,4% dự toán, trong đó có 6 khoản thu đạt và vượt, 7 khoản thu chưa đạt. Đại biểu đề xuất cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ngành Thuế cần có giải pháp đối với các nguồn thu, chống thất thu thuế.

Đại biểu Khánh Thị Xuyến. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Khánh Thị Xuyến. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Tăng Thị Dương đề cập đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX. Hiện 100% HTX trong tỉnh đã được chuyển đổi hoạt động, tuy nhiên mới chỉ có 10% HTX hoạt động hiệu quả. Hoạt động của một số HTX vẫn còn mang tính hình thức, không hiệu quả, khó tiêu thụ sản phẩm. Đại biểu đề xuất cần tăng cường công tác tuyên truyền Luật Hợp tác xã, chương trình xây dựng nông thôn mới; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đào tạo, nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ cán bộ HTX.

Đại biểu Nông Thị Toàn cho biết, tại huyện Lâm Bình, việc chuyển đổi mục đích quyền sử dụng đất để phát triển các dự án phát triển kinh tế còn khó khăn. Việc phát triển du lịch homestay còn nhiều khó khăn như có nơi không có điện, sóng điện thoại, vệ sinh môi trường kém. Vì vậy, huyện cần được hỗ trợ mua sắm trang thiết bị công trình vệ sinh, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm du lịch; có giải pháp khắc phục sự cố các công trình sau thiên tai, thanh toán nguồn các công trình phúc lợi; cải thiện thủ tục mua sắm tài sản tập trung. Đại biểu đề nghị Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản tập trung.

Đại biểu Lý Thu Hương đề cập đến việc đọc sách thư viện. Hiện số lượng người dân đến mượn và đọc sách chưa nhiều. Nguyên nhân do tủ sách xuống cấp, lượng sách các tuyến cơ sở chưa phong phú, giờ đọc chủ yếu là giờ hành chính. Đại biểu đề nghị được quan tâm, đầu tư tủ sách cơ sở, luân chuyển nguồn sách; đầu tư, xây dựng các thư viện thân thiện; tăng cường công tác phối hợp giữa ngành Văn hóa với cơ sở. Bên cạnh đó, đại biểu đề cập đến tình trạng người dân lấn chiếm vỉa hè để bán hàng, họp chợ, gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị, an toàn giao thông. Các cấp, ngành cần tích cực tuyền truyền và có biện pháp xử lý giải quyết dứt điểm tình trạng họp chợ tự phát; việc đầu tư xây dựng đường điện tại huyện Yên Sơn.

Đại biểu Phạm Thúy Hà đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải gia đình. Hiện môi trường đang ngày trở nên ô nhiễm nghiêm trọng dù đã được tuyên truyền, huy động toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường, nhưng đến nay kết quả còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm chưa được cải thiện. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân do điều kiện kinh tế còn khó khăn, ý thức, nhận thức về hành vi xả thải ra môi trường của người dân chưa cao, sự quan tâm của chính quyền địa phương chưa thường xuyên…Đại biểu đưa ra một số giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền; tập trung thu gom rác thải; đề nghị HĐND tỉnh xây dựng chương trình giám sát chuyên đề về kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm các hộ xả thải ra môi trường.

Đại biểu Vân Đình Thảo cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đứng thứ 2/11 tỉnh miền núi phía Bắc. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút đầu tư, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần xác định vùng kinh tế trọng điểm phát triển nông lâm nghiệp. Thực tế vẫn còn một số thôn, xã thuộc huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, Sơn Dương chưa được quy hoạch trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm. Đối với huyện Na Hang, Lâm Bình cần liên kết phát triển du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ.

Đại biểu Vân Đình Thảo. Ảnh: Thành Công

Đại biểu Vân Đình Thảo. Ảnh: Thành Công

Việt Hòa - Thu Hằng

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/trong-tinh/dai-bieu-hdnd-tinh-thao-luan-ve-ket-qua-thuc-hien-nhiem-vu-phat-trien-kt-xh-dam-bao-quoc-phong-an-ninh-120313.html