Đại biểu kiến nghị cần có cơ chế đặc thù để khắc phục sự cố sạt lở đê cồn

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 22, chiều ngày 10/7, HĐND tỉnh Sóc Trăng có phiên họp thảo luận tổ đại biểu. Các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Hiểu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh điều hành phiên họp.

Đại biểu Phan Thị Trúc Giang, đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: SONG LÊ

Đại biểu Phan Thị Trúc Giang, đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: SONG LÊ

Phát biểu tại buổi thảo luận tổ, đại biểu Phan Thị Trúc Giang, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị thị xã Ngã Năm cho biết, Ngã Năm là một trong những địa phương còn nhận trợ cấp từ ngân sách cấp trên, hằng năm nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản theo phân cấp quản lý chưa đủ đáp ứng nhu cầu đầu tư. Do đó kiến nghị HĐND, UBND tỉnh xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư cho thị xã Ngã Năm, trong đó có mở rộng các tuyến giao thông đảm bảo đạt theo tiêu chí quy định đối với các xã nông thôn mới nâng cao.

Hiện nay áp lực thiếu giáo viên trên địa bàn thị xã có chiều hướng tăng do số người được tuyển dụng mới không đạt kế hoạch đề ra (kết quả tuyển dụng năm 2023 đạt 51% chỉ tiêu); đồng thời, các trường hợp nghỉ hưu do hết tuổi lao động và xin thôi việc, chuyển công tác theo nguyện vọng cá nhân trung bình 5 - 10 trường hợp/năm. Vì vậy, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị thị xã Ngã Năm kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu tham mưu trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành chính sách, cơ chế đặc thù nhằm thu hút, bổ sung nguồn nhân lực ngành giáo dục và đào tạo, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: SONG LÊ

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: SONG LÊ

Đối với Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng), đại biểu Trần Khắc Tâm cho biết trong những năm gần đây đô thị liên tục được quy hoạch mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, theo đó nhu cầu sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, sản xuất cũng không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, việc khai thác, phân phối, sử dụng nước sạch đang trở thành vấn đề có nhiều tồn tại, thách thức, trở thành mối quan tâm của người dân. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, đa số người dân phản ánh rất nhiều về nước sạch, hiện nay nước chảy rất yếu, có nhiều cặn, đục, vào giờ cao điểm một số địa bàn không có nước để sinh hoạt, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt.

Do đó, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị thành phố Sóc Trăng kiến nghị Công ty Cổ phần Cấp nước Sóc Trăng tiếp tục thông tin, tuyên truyền việc sử dụng nước tiết kiệm, có kế hoạch dự trữ nước và sử dụng nước vào thời gian thấp điểm, khắc phục các sự cố rò rỉ nhằm tránh thất thoát nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quy trình xử lý nước, công tác vệ sinh, súc rửa mạng lưới ống chuyển tải nhằm kiểm soát các tiêu chí về chất lượng nước sạch. Có giải pháp nâng sản lượng nước cung cấp và áp lực nước tại các vị trí lưu lượng yếu, thường xuyên thiếu nước. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Tổ đại biểu HĐND tỉnh, đơn vị huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đề nghị có cơ chế đặc thù trong việc đầu tư xử lý khẩn cấp các đoạn sạt lở, nguy cơ sạt lở đối với hệ thống đê cồn. Hiện nay tình hình sạt lở bờ sông trên địa bàn huyện Kế Sách liên tục diễn ra, nhất là tình hình sạt lở đê cồn xảy ra nghiêm trọng. Từ năm 2019 đến năm 2023 đã xử lý sạt lở đê cồn tổng số 130 đoạn, chiều dài 5.673 mét, kinh phí khắc phục sạt lở 21,5 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay sạt lở đê cồn có 12 đoạn, chiều dài 269 mét, trong đó có 4 đoạn sạt lở nghiêm trọng, chiều dài 86 mét, huyện đã bồi trúc, gia cố 1 đoạn, chiều dài 10 mét và đang gia cố tạm 2 đoạn, chiều dài 70 mét. Tuy nhiên, để khắc phục những đoạn sạt lở tại các đê cồn và một số nơi trên đất liền thì địa phương gặp nhiều khó khăn như thực hiện theo Luật Đấu thầu, Luật số 22/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP, ngày 27/2/2024 của Chính phủ. Trong khi đó, việc gia cố, khắc phục sạt lở đê cồn đòi hỏi phải thực hiện khẩn cấp, càng sớm càng tốt vì khi xảy ra sạt lở, vỡ đê cồn thì thiệt hại sẽ xảy ra trên diện rộng và nghiêm trọng hơn so với sạt lở trong đất liền; chi phí khắc phục cũng tăng lên gấp nhiều lần.

Những nội dung thảo luận tổ đại biểu HĐND tỉnh sẽ được các cơ quan chức năng lồng ghép trả lời tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong buổi họp tiếp theo.

SONG LÊ

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/chinh-tri/dai-bieu-kien-nghi-can-co-co-che-dac-thu-de-khac-phuc-su-co-sat-lo-de-con-74729.html