Đại biểu lo lắng về tính an ninh của những dự án nước sạch
Trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã có những ý kiến tranh luận liên quan đến vấn đề nước sạch cũng như các dự án nước sạch tại các đô thị.
Phát biểu góp ý, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) cho rằng, nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống con người và phát triển kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước sạch cho người dân và cũng là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh đầu tư lĩnh vực cấp nước sạch.
“Điều này càng cần thiết hơn khi vừa qua nguồn nước do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị kẻ xấu đầu độc nguồn nước mặt, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng nước ở nhiều quận, huyện ở Hà Nội về sức khỏe và cũng tốn kém chi phí cho việc mua nước sạch, súc rửa bể và gây khó khăn cho người dân khi không có nước sử dụng trong sinh hoạt, tắm giặt, vệ sinh” - đại biểu Thu nói.
Trước tình hình trên, đại biểu cho rằng, đây là một lĩnh vực mà Nhà nước cần quản lý chặt chẽ và phải đưa hẳn là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, không coi việc kinh doanh, khai thác tài nguyên nước là ngành, nghề có điều kiện đã là đủ. Vì khái niệm "tài nguyên nước" và "kinh doanh tài nguyên nước" bao gồm rất nhiều loại hình khác nhau, như nước ngầm, nước mặt, nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiêu dùng… vì vậy khó đưa ra các tiêu chuẩn, điều kiện để quản lý khi đăng ký đầu tư kinh doanh và lĩnh vực nước sạch cho con người sử dụng thì phải có điều kiện, tiêu chuẩn khác, mục đích khác, phải quy định chặt chẽ bằng luật.
Cũng đề cập đến những vấn đề liên quan đến nước sạch, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) thông tin, hiện đã có 5 nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban kiểm soát của Nhà máy nước sông Đuống. “Chúng ta xem nhà đầu tư thực sự có phải làm dự án kinh doanh phục vụ cho nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không hay chỉ để thực hiện động tác kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt rủi ro có thể đến với nhân dân hay không”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Nhấn mạnh hơn đến vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến nước sạch, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nêu rõ: “Chúng tôi chỉ muốn nói, nước sạch trong một số tình huống, nhất là đối với các đô thị lớn nó trở thành một vấn đề an ninh. Ở một số quốc gia khi nó là vấn đề an ninh thì họ sẽ thiết kế luật để có những ngăn chặn các giao dịch chuyển nhượng có tác động đến an ninh quốc gia. Những nước giàu hơn chúng ta, mạnh hơn chúng ta họ có những công cụ ấy thì chúng ta cũng nên suy nghĩ để thiết kế những công cụ đó. Tôi ví dụ, một nhà máy nước của chúng ta cung cấp cho mấy triệu dân nhưng chúng ta có biết ai làm chủ nó không?”.
Trước đó, trao đổi về vấn đề nước sạch bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý nguồn nước vẫn còn những bất cập trong thời gian qua. Từ vụ việc ô nhiễm nguồn nước ở Hòa Bình đặt ra câu hỏi đối với nguồn nước mặt trên cả nước, liệu rằng an ninh nguồn nước có được đảm bảo khi ô nhiễm nguồn nước đang đe dọa sức khỏe của hàng triệu người dân.
Theo ông Hòa, nước sạch và vệ sinh môi trường là hai lĩnh vực rất cần được Chính phủ và nhân dân quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của từng người.