ĐẠI BIỂU NGUYỄN THỊ LỆ THỦY: CỤ THỂ HƠN NỮA CÁC LĨNH VỰC ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ÁP DỤNG TẠI BUÔN MA THUỘT (ĐẮK LẮK)
Sáng 07/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre khẳng định việc ban hành Nghị quyết có đầy đủ cơ sở chính trị và pháp lý, các cơ chế được đề xuất hiện khá đồng bộ, trọng tâm và hợp lý.
TỔNG THUẬT SÁNG 07/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ 02 DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT: ‘’THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.BUÔN MA THUỘT’’ VÀ ‘’CẤP QUYỀN LỰA CHỌN SỬ DỤNG BIỂN SỐ Ô TÔ THÔNG QUA ĐẤU GIÁ
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre chia sẻ, tại phiên họp tổ như nhiều đại biểu còn băn khoăn khi lần đầu tiên Quốc hội quyết định cho cơ chế đặc thù đối với một đơn vị hành chính cấp huyện, nhưng khi nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ, cho thấy căn cứ chính trị và pháp lý là đầy đủ và các cơ chế được đề xuất hiện khá đồng bộ, trọng tâm và hợp lý, với 5 nhóm chính sách nhưng tập trung vào 3 vấn đề: tiền, thời gian và con người.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu rõ, về tiền thì Thành phố xin cơ chế tài chính để một mặt là xin cơ chế đầu tư từ ngân sách nhà nước, mặt khác thì huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư.
Về thời gian, Thành phố xin cơ chế chủ động và linh hoạt trong điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, giúp địa phương rút ngắn thời gian, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả hạ tầng.
Về con người, thành phố xin cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là chủ thể chính để làm chuyển biến nhanh và bền vững thành phố theo tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị.
Cho ý kiến về các nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy bày tỏ đồng tình cao với cơ chế tài chính và an tâm với tỷ lệ đề xuất mức dư nợ tăng thêm, phương thức quản lý và phương án trả nợ. Theo đại biểu, với cơ chế này thì không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ quyết định và giám sát theo danh mục những dự án đầu tư cụ thể, đúng quy hoạch và có phương án, khả năng cân đối ngân sách trả nợ.
Đồng thời, để tăng tính hiệu quả của cơ chế, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị tiếp tục rà soát danh mục các dự án đảm bảo tính kết nối, có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng như tinh thần Kết luận 67, làm nền tảng cho các cơ chế còn lại của Nghị quyết và thúc đẩy thành phố phát triển, đảm bảo các dự án phải sẵn sàng để khi có cơ chế tài chính thì có thể triển khai được ngay.
Đồng tình với cơ chế ủy quyền của địa phương điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ để khắc phục những vướng mắc, bất cập về quy hoạch, giúp địa phương tiết kiệm thời gian, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả hạ tầng cơ sở, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng đề nghị cần khống chế việc điều chỉnh cục bộ đến mức không làm phá vỡ tổng quan quy hoạch lâu dài của thành phố.
Về cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực đầu tư, đại biểu cho biết cơ bản đồng tình với lĩnh vực và mức ưu đãi đầu tư như Tờ trình của Chính phủ có bám sát Kết luận 67. Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, dự thảo Nghị quyết chỉ đề xuất mỗi chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi hạ tầng về khu, cụm công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của thành phố chưa hoàn thiện, thiếu đất sạch, thiếu hạ tầng logistics thì không kỳ vọng thu hút được nhiều dự án.
Đồng thời, cân nhắc lĩnh vực đầu tư đã thu hút rất tốt đối với các cơ chế ưu đãi hiện có, đã đủ hoặc vượt quá chỉ tiêu quy hoạch, nếu thu hút thêm sẽ gây ra mất cân đối hoặc gây ra bất bình đẳng với các tỉnh trong khu vực có cùng điều kiện. Ví dụ, lĩnh vực sản xuất và chế biến cà phê hiện nay, cà phê không chỉ có ở Đắk Lắk mà các tỉnh Tây Nguyên đều có thương hiệu cà phê của riêng mình. Với chính sách ưu đãi cao sẽ thu hút các dự án chế biến cà phê về Buôn Ma Thuột, có thể gây thiệt hại cho nông dân trồng cà phê các tỉnh trong khu vực và chưa bám sát Kết luận 67. Trong Kết luận 67 nêu rõ phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, nhất là dịch vụ liên quan đến cà phê, xây dựng hình ảnh thành phố cà phê của thế giới.
Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để đảm bảo công bằng với các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, để đảm bảo tương thích với Kết luận 67 thì có thể thu hút đầu tư dự án xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên thành phố Buôn Ma Thuột, tương tự như Bảo tàng cà phê ở Bỉ, Bảo tàng lúa gạo thế giới ở Philippines, trong đó có các chuỗi giá trị về cà phê. Bảo tàng là nơi trưng bày lịch sử hình thành, phân bố giống, kỹ thuật canh tác, sản phẩm chế biến từ cà phê để các tỉnh trong khu vực đều được hưởng lợi, vừa phục vụ phát triển du lịch, vừa phát triển công nghiệp chế biến cà phê và hình thành phố cà phê của thế giới như tinh thần Kết luận 67 của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, để tăng tính khả thi của nghị quyết, đại biểu đề nghị bổ sung cơ chế tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp chế biến cà phê trong toàn tỉnh Đắk Lắk hoặc mở rộng cho cả vùng Tây Nguyên, tối đa từ 10% lợi nhuận trước thuế theo quy định tại Thông tư 05 của Bộ Khoa học và Công nghệ lên mức 20% để giúp các doanh nghiệp chế biến cà phê đầu tư đổi mới công nghệ. Việc mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế cũng đã có tiền lệ như đã được áp dụng với cơ chế nạo vét luồng Định An theo nghị quyết đặc thù cho thành phố Cần Thơ thì không chỉ có lợi cho thành phố Cần Thơ mà cũng có lợi cho 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.
Về cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt, đại biểu cho biết hiện nay trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã có 4 trường đại học, 3 viện nghiên cứu cấp vùng, 4 trường cao đẳng, 7 bệnh viện cấp tỉnh và vùng, vẫn còn đang tiếp tục đầu tư Bệnh viện Trung ương, chắc chắn sẽ là nguồn nhân lực dồi dào cho thành phố Buôn Ma Thuột, nếu có nhu cầu nhân lực chất lượng cao, có tài năng đặc biệt tôi e rằng miễn thuế thu nhập cá nhân chưa đủ hấp dẫn. Hiện tại với 1.020 giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học đang công tác trên địa bàn số thuế thu nhập hằng năm chỉ có 4,2 tỷ đồng là không đáng kể. Thậm chí, các chuyên gia, các nhà khoa học tài năng đặc biệt còn mong muốn được đóng thuế thu nhập cá nhân, vì chỉ có thu nhập cao mới phải đóng thuế và đó cũng là thước đo thương hiệu của chuyên gia.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nêu rõ, điều mà các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt mong muốn là có cơ chế và môi trường làm việc tự chủ, sáng tạo để cống hiến trí tuệ, tài năng đặc biệt của mình, tạo ra sản phẩm có ích cho xã hội. Do đó, cần chú trọng đến cơ chế và môi trường làm việc, đồng thời cần xác định rõ, minh bạch và lượng hóa được các tiêu chí xác định thế nào là tài năng đặc biệt để tránh tác dụng ngược của cơ chế khi thu hút được một số ít chuyên gia, nhà khoa học mới nhưng lại thiếu bình đẳng, làm bất mãn với số đông chuyên gia, nhà khoa học đang công tác./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=70373