Đại biểu QH Hoàng Đức Chính thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 28/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.

Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận.

Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận.

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Chính, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Uỷban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và nhiều ý kiến đã phát biểu của đại biểu Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN năm 2023.

Tuy nhiên, từ tình hình thực tiễn và ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu đề nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm một số nội dung như sau:

Một là, đối với việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm, miễn giảm thuế để giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đánh giá, nghiên cứu rút gọn một số chính sách không có khả năng thực hiện để giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, trong việc bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023, đề nghị rà soát xác định lại mức vốn kế hoạch, chỉ xem xét bố trí vốn cho các dự án đã có đầy đủ thủ tục đầu tư và khả năng giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công. Đối với các dự án cấp bách, cấp thiết thuộc danh mục bố trí vốn nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đề nghị xem xét bố trí vốn trong kế hoạch năm 2024, 2025 (đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn này so với quy định tại Nghị quyết số 43) để phù hợp với điều kiện, khả năng triển khai thực hiện các dự án, bảo đảm tính khả thi, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giảm chi phí lãi vay và số chuyển nguồn NSNN sang năm sau.

Đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét tập trung bố trí vốn cho các dự án dở dang, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tính chất lan tỏa vùng, trong đó cử tri, Nhân dân huyện Mai Châu và tỉnh Hòa Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT quan tâm bổ sung, bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn chưa phân bổ hoặc từ số tăng thu ngân sách T.Ư năm 2022 để đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 15 (đoạn tuyến từ km0 - km20) thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình theo tiêu chuẩn đường cấp III (miền núi), hiện nay đoạn tuyến này đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng để đồng bộ với đoạn tuyến đã được đầu tư thuộc địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.

Hai là, đại biểu đề nghị tiếp tục quan tâm làm tốt chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người yếu thế. Đặc biệt là chăm lo thực hiện tốt các dịch vụ xã hội cơ bản như: dân số, y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, nhất là đối với người dân ở các địa bàn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Cử tri tỉnh Hòa Bình rất mong muốn và trân trọng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án phát triển KT-XH các xã vùng CT229, giai đoạn 2021 - 2025 để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương vùng CT229 phát triển KT-XH.

Ba là, thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã. Sau khi sắp xếp, nhiều ĐVHC cấp xã, nhất là các xã thuộc các tỉnh miền núi có diện tích rộng (do có nơi được sáp nhập từ 3, thậm chí 4 xã lại thành 1 xã) nên người dân, cán bộ, công chức đi lại thực hiện các thủ tục hành chính và làm việc gặp rất nhiều khó khăn; cùng với đó, việc sắp xếp các trụ sở làm việc, công trình công cộng dôi dư chưa thực sự hiệu quả, gây lãng phí... Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành có liên quan rà soát, đánh giá tổng thể công tác sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã theo tinh thần nội dung Nghị quyết số 595, ngày 12/9/2022 của UBTVQH về tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 34/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo hướng tăng định mức biên chế cán bộ, công chức cấp xã, nhất là đối với những xã sau sáp nhập có diện tích rộng, giao thông đi lại khó khăn thuộc địa bàn các tỉnh miền núi, biên giới. Cùng với đó có chế độ, chính sách nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức cấp xã tại những địa bàn trên cho phù hợp với tính chất và khối lượng công việc hiện nay.

Bốn là, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có giải pháp tổng thể liên quan đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngô Hường - Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/171602/daibieu-qh-hoang-duc-chinh-thao-luan-ve-cac-van-de-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.htm