Đại biểu Quốc hội 9 lần chất vấn Viện trưởng VKS về một vụ án
Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho biết đã có 9 lần chất vấn Viện trưởng VKSND Tối cao về vụ án gỗ trắc từ năm 2019, do chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng về vụ việc này.
Chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại phiên họp thứ 21. Người đăng đàn trả lời là Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao Lê Minh Trí.
Tại đây, đại biểu Hồ Thị Minh (Quảng Trị) cho biết trong phiên chất vấn Chánh án TAND Tối cao sáng nay, đại biểu Hoàng Đức Thắng đã đặt câu hỏi về vụ án gỗ trắc xảy ra năm 2019 nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Vì vậy, bà Minh tiếp tục đăng ký chất vấn để đặt câu hỏi với Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí về vụ án trên.
Tạm đình chỉ vụ án bán tháo tang vật
Dẫn lại vụ án, bà Minh cho biết việc cơ quan tố tụng bán tháo toàn bộ vật chứng hơn 614 m3 gỗ quý với giá chỉ hơn 63 tỷ đồng đã vi phạm nghiêm trọng bộ luật tố tụng hình sự.
"Được biết, VKSND Tối cao đã khởi tố vụ án từ năm 2019, đến nay đã hơn 4 năm trôi qua nhưng chưa thấy khởi tố bị can liên quan vụ án để đem ra xét xử. Tôi muốn hỏi nguyên nhân của việc này và xin Viện trưởng cho biết quan điểm của mình về vụ án trên", bà Minh đặt câu hỏi.
Cho biết đã nhiều lần trả lời đại biểu đoàn Quảng Trị về vụ án trên, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí khẳng định vụ án rất phức tạp, phải áp dụng các quy định pháp luật khác nhau, ở các giai đoạn khác nhau cũng có những ý kiến khác nhau.
"Tôi đã trả lời trong nhiều cuộc họp khác nhau và đến giờ này thì cũng chưa có cơ sở để kháng nghị giám đốc thẩm", Viện trưởng VKSND Tối cao nói và cho biết đã 2 lần trưng cầu Hội đồng định giá tài sản tố tụng hình sự TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Trị nhưng đến nay không có cơ sở để định giá lô gỗ này do đã không còn trên thực tế.
Theo ông Trí, cơ quan điều tra của VKS đã yêu cầu cơ quan chức năng giám định nhưng chưa nhận được kết quả. Do đó, VKS không thể quyết định được là khởi tố bị can hay không vì không có căn cứ pháp luật.
Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết đến nay, hành vi vi phạm pháp luật là có nhưng cần chờ cơ quan giám định chuyên môn để xác định hậu quả thì mới có thể khởi tố vụ án. Trong lúc chưa có kết quả giám định, VKSND Tối cao đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Chưa hài lòng với phần trả lời của ông Trí, đại biểu Hồ Thị Minh tiếp tục đăng ký tranh luận và cho biết trong lần trả lời chất vấn văn bản trước đó, Viện trưởng VKSND đã thừa nhận việc bán vật chứng là sai.
"Vậy lần này tôi hỏi khi người dân sai chúng ta khởi tố, trong khi đã 4 năm khởi tố vụ án này nhưng những cán bộ liên quan vụ án chưa bị khởi tố. Tôi muốn hỏi vai trò của Viện trưởng và quan điểm của ông khi các cơ quan đang có những ý kiến trái chiều về vụ án này", bà Minh dẫn lại câu hỏi.
Bà cũng cho biết với riêng vụ án trên, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã đặt câu hỏi đến 9 lần là vì chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Đáp lại phần tranh luận của đại biểu, Viện trưởng VKSND Lê Minh Trí khẳng định việc cơ quan chức năng cho bán lô vật chứng là sai. Ông nhận định đây là hành vi vi phạm pháp luật nhưng theo nguyên tắc xử lý hình sự và khởi tố vụ án, đặc biệt là khởi tố bị can thì phải xác định được hậu quả do hành vi gây ra.
Theo ông Trí, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã đề nghị hội đồng định giá của Đà Nẵng, Quảng Trị thẩm định nhưng không được, cũng nhờ cả Bộ Tài chính nhưng cơ quan này cho rằng vụ việc không thuộc thẩm quyền của bộ.
"Vậy giờ chúng nghiên cứu xem nên đề nghị ai? Nếu không có kết quả giám định, VKS không thể ra quyết định khởi tố bị can. Rất mong đại biểu chia sẻ, khi nào Hội đồng định giá kết luận hậu quả, chúng tôi sẽ cho khởi tố, bắt giam ngay", ông Trí nói.
Phân loại 3 nhóm tội phạm vụ Việt Á
Trả lời câu hỏi của đại biểu về cơ chế bảo vệ người dám nghĩ dám làm trong khi thụ lý, giải quyết các vụ án hình sự, Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết ngành kiểm sát vẫn quyết tâm cao trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, đấu tranh hiệu quả với công tác phòng chống tiêu cực.
Trong đó, chủ trương là xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, vụ lợi chiếm đoạt gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, càng răn đe càng tốt.
Dù vậy, ông Trí nhìn nhận nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn các vụ án và kể cả áp dụng thực tiễn pháp luật, có những trường hợp thực hiện do mệnh lệnh của cấp trên. Đồng thời, có trường hợp cấp dưới tham mưu nhưng tham mưu không chính xác, không đầy đủ, cấp trên kiểm soát không được công việc nên quyết định.
"Trường hợp trên cũng sai nhưng đó là sự rủi ro, hoặc có những yếu tố rủi ro, bất cập, ngoài dự kiến bất khả kháng", ông Trí nói và cho biết với những trường hợp này, kể cả khi chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, có người còn hợp tác giúp cơ quan chức năng làm rõ các vụ án thì nên được áp dụng việc miễn, giảm hình phạt hoặc tha tội.
Tuy nhiên, dẫn Điều 8 Luật Hình sự quy định "các trường hợp được miễn, giảm hình phạt áp dụng khi tính chất vụ việc gây nguy hiểm của xã hội không đáng kể", ông Trí cho rằng chữ "không đáng kể" không định lượng được nên khó áp dụng.
Cùng với đó, điều 29 của Luật Hình sự quy định việc miễn tội "có điều kiện" cũng khó để áp dụng. Trong khi trên thực tế, có những lỗi vô ý hoặc một số cán bộ khi có khối lượng công việc lớn thì không kiểm soát được, không có chủ đích chiếm đoạt vụ lợi.
"Tôi đề nghị chúng ta nên rà soát để sửa lại các điều luật cụ thể, vì có trường hợp gây hậu quả không lớn nhưng vẫn bị xử lý hình sự, nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật", ông Trí đề xuất.
Dẫn ví dụ về đại án Việt Á, ông Trí cho biết cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án đã ngồi lại nghiên cứu đề xuất cấp thẩm quyền có chủ trương về chính sách hình sự, phân hóa thành 3 nhóm: xử lý nghiêm, giảm án và không xử lý hình sự.
Trong đó, các cơ quan xem xét một số trường hợp chỉ xử lý kỷ luật Đảng và hành chính. Việc chỉ được áp dụng với từng vụ án cụ thể có tính chất đặc biệt nghiêm trọng.
"Tham mưu là vậy nhưng tổng thể để áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc thì chưa có", theo Viện trưởng VKSND Tối cao.
Ông Trí cũng cho biết theo Quy định 69, khi chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà làm sai, cấp dưới sẽ không bị kỷ luật và việc này cần được cụ thể hóa bằng luật pháp.
Theo ông, như trong vụ Việt Á, các cơ quan có thẩm quyền đã vận dụng pháp luật kết hợp xin chủ trương chứ chưa thể áp dụng các quy định hiện hành của pháp luật vì chưa có quy định đồng bộ.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam- nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
SáchBàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệmlà kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.