Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai đề xuất nhiều giải pháp phát triển văn hóa
Sáng 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Đại biểu Âu Thị Mai, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phát biểu một số nội dung liên quan đến lĩnh vực văn hóa.
Đại biểu nhấn mạnh, sau hơn một năm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lĩnh vực văn hóa đã đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn, bất cập: Ngân sách đầu tư cho văn hóa chưa đảm bảo; nhiều đề án, chương trình, kế hoạch được ban hành nhưng việc bố trí kinh phí thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra; việc đầu tư cơ sở vật chất văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” còn nhiều bất cập…
Đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa ...
Cùng với đó, kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; tăng mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước bằng nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở phân bổ ngân sách nhà nước từng năm và giai đoạn.
Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 ban hành kèm thao Quyết định số 515 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Về chính sách đối với nghệ nhân, đại biểu cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109 ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, tuy nhiên đối tượng được thụ hưởng chính sách rất hẹp, chỉ áp đối với nghệ nhân thuộc gia đình có thu nhập thấp, bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở; người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục Bộ Y tế quy định, kinh phí hỗ trợ được chia theo 3 mức là 1 triệu đồng, 850.000 đồng, 700.000 đồng/tháng.
Theo thống kê, cả nước hiện có 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, nhưng rất ít nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 theo hướng các nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” đều được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng với mức hỗ trợ ít nhất bằng một tháng lương cơ sở.