Đại biểu Quốc hội: 'Bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức'

Bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức, mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và được thụ hưởng như nhau về thành quả.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm, bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức. (Nguồn: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm, bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức. (Nguồn: Quochoi.vn)

Đó là ý kiến thảo luận của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều 14/6.

"Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất là sự dịu dàng"

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn chứng, theo điều tra của Bộ Lao động - thương bình và xã hội, năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng; 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Theo ông Cảnh, một trong những khó khăn trong việc áp dụng luật là việc xác định mức độ vi phạm nào là hành vi bạo lực gia đình. Bởi chính thành viên trong gia đình và người xung quanh không hiểu rõ ranh giới giữa bạo lực gia đình và va chạm hằng ngày. Cơ quan pháp luật cũng gặp khó khăn để xác định ranh giới vi phạm hình sự hay hành chính.

Đại biểu Cảnh nêu rõ, mục đích của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình là ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, nhưng điều xã hội mong muốn nhiều hơn là làm sao để xây dựng các gia đình mới hạnh phúc, duy trì hạnh phúc gia đình đang có, hàn gắn các rạn nứt trong hôn nhân. Cuối cùng mới là chữa lành các vết thương về thể xác và tinh thần của các thành viên trong gia đình đang có bạo lực trước khi hôn nhân đổ vỡ.

Đồng thời, đại biểu Cảnh nhận định, nhiều người mong có được kinh tế như hiện nay nhưng văn hóa được như xưa. Trong đó về giữ gìn truyền thống tốt đẹp, ông ví dụ tổ ấm phải có bàn tay phụ nữ.

Ông Cảnh nêu quan điểm: “Bình đẳng không phải là cố gắng để ngang tài ngang sức, mà đảm bảo vai trò, cơ hội phát triển và được thụ hưởng như nhau về thành quả. Phụ nữ có lúc quên mất sức mạnh lớn nhất và theo mình cả đời đó là sự dịu dàng. Đôi khi họ cố gắng thật nhiều để có các năng lực khác nhưng không bù lại được kết quả mà sự dịu dàng mang lại cho gia đình”.

Qua đó, đại biểu này đề nghị Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được mở rộng phạm vi. Nội dung mới sẽ là các biện pháp xây dựng hạnh phúc gia đình; nội dung phòng bạo lực gia đình sẽ được mở rộng hơn như Quốc hội đang thảo luận, nội dung chống bạo lực sẽ là một chương cuối trong luật và Luật được mở rộng sẽ có tên là Luật xây dựng và bảo vệ hạnh phúc gia đình.

Ông Cảnh cho rằng cần bỏ suy nghĩ trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi.

“Việc có con duy trì nòi giống là bản năng sinh tồn của các loài, trong đó có loài người. Tuy nhiên khoa học đã chứng minh trong gen của cháu nội hay cháu ngoại đều chứa hơn 20% thông tin di truyền của ông bà. Như vậy cháu nội hay cháu ngoại cũng đều duy trì nòi giống cho ông bà. Việc thờ cúng thì ngày nay con gái, con rể hay cháu ngoại vẫn thực hiện chu đáo, chưa kể phần đông con gái quan tâm, chăm sóc cha mẹ già tốt hơn con trai”, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nêu quan điểm.

Bạo lực trên không gian mạng khủng khiếp hơn bạo lực gia đình

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) đề nghị bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng vì hiện nay có những câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau. Đây cũng là bạo lực và bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

Bà Hà cho rằng, bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình.

Đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) cho hay, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, các hành vi bạo lực có thể chia thành 4 nhóm: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực tình dục.

Ông Linh cho rằng, các nhóm hành vi bạo lực này có tính chất phương thức thực hiện, mức độ nhận diện hậu quả xảy ra rất khác nhau. Nên về nguyên tắc để phòng chống có hiệu quả, bảo đảm tính răn đe thì cần phải có cách thức xử lý, áp dụng các biện pháp phù hợp với từng nhóm hành vi cũng như mức độ nghiêm trọng của từng hành vi.

Do vậy, theo đại biểu Linh, đa số các biện pháp xử lý cơ bản chỉ phù hợp với việc phòng chống các hành vi bạo lực về thể chất chưa thật phù hợp để xử lý các hành vi bạo lực về kinh tế, tinh thần như biện pháp cấm tiếp xúc, bố trí nơi tạm lánh, chăm sóc người bị bạo lực.

Đồng thời, đại biểu này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện thêm quy định về các hành vi bạo lực về cơ chế, cách thức xử lý và các biện pháp xử lý cụ thể cho phù hợp với từng loại hành vi mức độ của hành vi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). (Nguồn: Quochoi.vn)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). (Nguồn: Quochoi.vn)

"Đài phát thanh gia đình phát lúc nửa đêm có phải bạo lực gia đình?"

Nêu ý kiến tranh luận với ban soạn thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề cập đến quy định về hành vi bạo lực gia đình trong dự thảo. Theo đại biểu Hòa, dự thảo quy định có thừa nhưng cũng có thiếu.

Ông Hòa cho rằng, trường hợp vợ chồng đã ly hôn nhưng bắt buộc phải chăm sóc cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người đã ly hôn là không hợp lý và không thể thực hiện được.

Đặc biệt, đại biểu Hòa băn khoăn: “Đài phát thanh thì họ phát thanh có giờ, có giấc. Nhưng đài 'phát thanh' gia đình thì phát thanh không giờ, không giấc, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh. Tôi nghĩ hành vi như vậy có phải bạo lực gia đình về mặt tinh thần hay không”.

(tổng hợp)

Nguyệt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-bieu-quoc-hoi-binh-dang-khong-phai-la-co-gang-de-ngang-tai-ngang-suc-187185.html