Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Phát huy vai trò nghị sĩ trẻ trong giải quyết các thách thức về văn hóa số

Nhân Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu (14-17/9), ĐBQH Bùi Hoài Sơn, một trong những diễn giả trong phiên thảo luận chuyên đề 3 của hội nghị về 'Thúc đẩy tôn trọng trong đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững' chia sẻ với TG&VN liên quan đến chủ đề văn hóa số và hành động của Việt Nam để thúc đẩy phát triển các giá trị văn hóa giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn trình bày tham luận tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: Thành Châu)

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn trình bày tham luận tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. (Ảnh: Thành Châu)

Thách thức văn hóa phi truyền thống

Một trong những chủ đề thảo luận tại Hội nghị là thúc đẩy văn hóa và đa dạng văn hóa, theo ông, Việt Nam cần cải thiện những gì để bắt kịp với xu hướng của toàn cầu?

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa, con người, coi đây là một trong những trọng tâm của phát triển đất nước. Năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc đã nhấn mạnh, văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn.

Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động khác nhau để gìn giữ, xây dựng, thúc đẩy phát triển văn hóa. Trong thời gian tới, Việt Nam còn mong muốn xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa Việt Nam. Điều này cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực văn hóa đối với nước ta.

Tuy nhiên, Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề thách thức trong phát triển văn hóa, những thách thức tương tự ở các quốc gia khác mà ở hội nghị lần này nhiều đại biểu đã nêu ra. Chẳng hạn như, thách thức đưa văn hóa vào chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Trong chương trình nghị sự này có 17 mục tiêu, trong đó văn hóa bao giờ cũng là yếu tố mang tính xuyên suốt, là chất keo dính tạo ra sự bền vững của từng mục tiêu. Nếu chúng ta khai thác được giá trị văn hóa để từ đó tạo ra lợi ích lan tỏa được sang các lĩnh vực kinh tế - xã hội để xóa đói giảm nghèo, hay trong lĩnh vực giáo dục hoặc bất kỳ lĩnh vực nào đó khác thì điều đó mới trở nên bền vững được, vì như vậy tức là chúng ta biết cách phát huy giá trị của mình tạo nên sự khác biệt. Văn hóa chính là yếu tố mang tính chất giá trị gia tăng, đặc thù, tạo ra sự độc đáo cho sự phát triển của từng cộng đồng, đất nước.

Đặc biệt hơn, chủ đề của hội nghị lần này nhấn mạnh nhiều đến chuyển đổi số. Đây là lĩnh vực mà Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề văn hóa liên quan. Những vấn đề đó đa phần đến từ mạng xã hội, từ không gian số, khiến chúng ta lúng túng về cách ứng xử.

Có thể nói, chúng ta luôn muốn tận dụng thời cơ, thuận lợi từ không gian số và đồng thời vẫn ứng phó được thách thức, khó khăn mà không gian số đem lại. Song, rõ ràng, hiện nay người ta nói rất nhiều đến xã hội số, kinh tế số, công dân số nhưng chưa chú ý đầy đủ đến văn hóa số.

Những thách thức đó cần phải có những giải pháp, trong khi những giải pháp này không phải chỉ đến từ nỗ lực của riêng Việt Nam mà phải là những giải pháp mang tính toàn cầu. Trong việc này, vai trò của các nghị sĩ trẻ là vô cùng quan trọng.

Giờ đây, những thách thức văn hóa phi truyền thống chứ không chỉ là thách thức an ninh phi truyền thống đang đặt thế giới dưới rất nhiều áp lực khác nhau. Chúng ta cần phải có nhận thức đúng, đầy đủ, có quyết tâm cao và phù hợp để ứng phó với những thách thức này.

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay người ta nói rất nhiều đến xã hội số, kinh tế số, công dân số nhưng chưa chú ý đầy đủ đến văn hóa số. (Ảnh: Thành Châu)

Ông Bùi Hoài Sơn cho rằng, hiện nay người ta nói rất nhiều đến xã hội số, kinh tế số, công dân số nhưng chưa chú ý đầy đủ đến văn hóa số. (Ảnh: Thành Châu)

Vậy Quốc hội Việt Nam đã có những sáng kiến, biện pháp gì cụ thể?

Những vấn đề về văn hóa số như ứng xử trên không gian mạng, tệ nạn xã hội, thái độ lệch lạc… không còn ảo nữa mà đều rất thật. Những thách thức liên quan đến văn hóa số là vô cùng lớn, đặc biệt là chúng lại đến từ tương lai, bởi công nghệ là của tương lai, con người vốn chưa có kinh nghiệm ứng phó. Thế nên, trong quá trình đưa ra những giải pháp, chủ yếu chúng ta thường mày mò, học tập kinh nghiệm quốc tế, từ đó tìm ra cách thức phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Thời gian qua, Việt Nam đã có một vài biện pháp ứng phó như: ban hành luật về an ninh mạng, ban hành một số nghị định, thông tư hay bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng, hay bộ quy tắc ứng xử của các nghệ sĩ trên môi trường mạng. Tuy nhiên, dường như những điều đó vẫn chưa đủ. Vẫn còn đó hiện tượng lệch chuẩn văn hóa, băng hoại đạo đức… xảy ra khá phổ biến. Do vậy, thời gian tới, chúng ta vẫn phải tìm cách để làm tốt hơn dựa trên trải nghiệm của chính mình kết hợp với kinh nghiệm quốc tế.

Từ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội đã tích cực triển khai thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và đa dạng văn hóa nói riêng vào trong các bộ luật, các chương trình lớn của quốc gia.

ĐBQH Bùi Hoài Sơn:

"Sự tham gia của Việt Nam tại sự kiện một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của các nghị sĩ trẻ của chúng ta nói riêng và Quốc hội nói chung trong việc đưa tiếng nói, sáng kiến của Việt Nam vào chương trình nghị sự của các tổ chức trên thế giới, đặc biệt là các nghị viện".

Năm 2022, Quốc hội đã tổ chức hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa. Qua đó, đã phát hiện nhiều điểm nghẽn khiến văn hóa chưa thể phát triển theo đúng kỳ vọng về thời kỳ mà chúng ta cho rằng rực rỡ nhất trong lịch sử. Sắp tới, tại Quốc hội sẽ có một số phiên giải trình liên quan đến văn hóa. Mong rằng, từ đó có thể tìm và gỡ được những nút thắt khó khăn trong việc phát triển văn hóa.

Vừa qua, Việt Nam có sửa đổi Luật điện ảnh theo hướng công nghiệp văn hóa, đưa hơi thở mới phát huy những giá trị sáng tạo vào văn hóa từ những nội lực, tiềm năng văn hóa nghệ thuật của đất nước, để tạo những giá trị không chỉ trong lĩnh vực văn hóa mà còn lan tỏa sang các lĩnh vực khác. Việc sửa đổi Luật điện ảnh được kỳ vọng sẽ trở thành một điển hình tốt để sửa đổi các luật khác theo hướng phát huy những lợi thế văn hóa dân tộc, tạo điều kiện phát triển không chỉ cho những lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mà cả các lĩnh vực khác.

Trên thế giới, có nhiều nước không có Bộ Văn hóa, nhưng thông qua chính sách cởi mở, họ tạo ra môi trường tích cực giúp cho sự phát triển văn hóa của quốc gia để văn hóa lan tỏa sức mạnh sang nhiều lĩnh vực. Trong thời gian tới, Quốc hội Việt Nam cũng sẽ có những hành động cụ thể hơn, không chỉ là ban hành luật pháp liên quan đến văn hóa, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, hay những giám sát về văn hóa mà cả những yếu tố khác có liên quan như luật thuế, luật đất đai, luật sử dụng tài sản công, luật đối tác công tư… để tạo ra môi trường thuận lợi, hỗ trợ cho sự phát triển văn hóa. Đó là những gì mà các đại biểu Quốc hội của chúng ta mong muốn, và sẽ góp phần tích cực hơn nữa trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Lan tỏa thông điệp của Việt Nam ra nghị viện thế giới

Ông có cảm nhận gì khi tham gia Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu?

Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu là sự kiện hết sức quan trọng của Đảng, Nhà nước và Quốc hội trong năm 2023.

Tầm quan trọng của Hội nghị thể hiện ở sự tham dự của hơn 500 nghị sĩ trên khắp thế giới. Nghị sĩ chính là các nhà lập pháp, đóng vai trò tham mưu và đưa ra các quyết định quan trọng ở các quốc gia, từ đó các quốc gia lại có những quyết định phù hợp với sự phát triển và xu hướng chung của toàn thế giới.

Dù là những người vô cùng bận rộn với nghị trình của quốc gia mình nhưng các nghị sĩ vẫn dành thời gian tham dự sự kiện bởi nội dung và chủ đề của Hội nghị đã đáp ứng đúng nhu cầu trao đổi và chia sẻ thông tin của họ. Các chủ đề mà Việt Nam đưa ra cũng là chủ đề đang rất được quan tâm. Qua việc các phiên thảo luận rất sôi nổi, thường xuyên vượt quá thời gian, nhưng vẫn còn rất nhiều góp ý, tranh luận chứng tỏ, đây là sự kiện được đặc biệt quan tâm và quan trọng đối với các nghị sĩ trẻ các nước.

Đó cũng là lý do tại sao Việt Nam rất coi trọng sự kiện này. Một lần nữa, vai trò của Việt Nam lại được nhấn mạnh qua những thông điệp, hình ảnh, quan điểm mà các đại biểu của Việt Nam đưa ra tại hội nghị, qua đó góp phần thể hiện sự phát triển của đất nước ở một tầm vóc và vị thế mới.

Qua trao đổi của tôi với các nghị sĩ trẻ các nước, họ đều cảm ơn Việt Nam, ngoài việc nội dung thảo luận và chủ đề hội nghị khiến họ thích thú mà những trải nghiệm ở Việt Nam, công tác tổ chức, thái độ trọng thị, hiếu khách và các hoạt động liên quan khác khiến họ rất hài lòng. Điều này cho thấy công tác tổ chức sự kiện của chúng ta rất tốt, chuyên nghiệp, đáp ứng được yêu cầu tổ chức các sự kiện quốc tế lớn. Đây cũng là niềm tự hào của người dân và của cả Quốc hội Việt Nam.

Ông Bùi Hoài Sơn trả lời phỏng vấn TG&VN tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Bích)

Ông Bùi Hoài Sơn trả lời phỏng vấn TG&VN tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Bích)

Đánh giá của ông về những đóng góp của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị lần này?

Các nghị sĩ trẻ của Việt Nam rất năng động, tích cực tham gia vào các phiên thảo luận. Họ nhận được sự trân trọng từ phía các nghị sĩ trên toàn thế giới.

Sự tham gia của Việt Nam tại sự kiện một lần nữa khẳng định sự trưởng thành của các nghị sĩ trẻ của chúng ta nói riêng và Quốc hội nói chung trong việc đưa tiếng nói, sáng kiến của Việt Nam vào chương trình nghị sự của các tổ chức trên thế giới, đặc biệt là các nghị viện.

Tiếng nói phong phú, đa dạng, có sức mạnh của các đại biểu Việt Nam thực sự nhận được sự quan tâm của Ban tổ chức cũng như của toàn bộ các nghị sĩ trẻ tại Hội nghị.

Hy vọng rằng, những thông điệp này sẽ lan tỏa nhiều hơn đến nghị viện trên thế giới, từ đó, giúp chúng ta định hình rõ nét thêm vị thế mới của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Thành Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bui-hoai-son-phat-huy-vai-tro-nghi-si-tre-trong-giai-quyet-cac-thach-thuc-ve-van-hoa-so-242482.html