Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn: 3 điều kiện cơ bản để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sáng 21/10, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho rằng, việc chúng ta chuyển sang tư duy thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội có thể nói là quyết định rất kịp thời, đúng đắn.

Thảo luận tại tổ 05, gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Bình Thuận. (Nguồn: Quochoi.vn)

Thảo luận tại tổ 05, gồm các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội ở trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Bình Thuận. (Nguồn: Quochoi.vn)

Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện ngân sách nhà nước.

Tại cuộc thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 với biến thể Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc đã gây nên những tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân.

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm cao và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch; sự đoàn kết, đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng, chống dịch ngày càng chuyển biến tích cực, hiệu quả hơn và đến nay nước ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh; nhiều hoạt động, ngành nghề kinh tế được bắt đầu duy trì đà phục hồi, cả nước đang dần bước sang trạng thái bình thường mới.

Cần giải pháp phù hợp, khả thi

Về nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế, theo đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), cần quan tâm duy trì phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, an toàn dịch bệnh; hạn chế tối đa đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Trong phát triển kinh tế, cần đặc biệt chú trọng phát huy thế mạnh của nông nghiệp trong bối cảnh hiện nay với tư cách đây là một ngành được coi là bệ đỡ của nền kinh tế, góp phần lớn trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nhấn mạnh việc tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt, khơi thông mọi nguồn lực, sức sáng tạo cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Đại biểu cũng đề nghị các cấp, các ngành, địa phương cần hết sức lưu ý vấn đề dòng người lao động di chuyển tự phát bằng các phương tiện cá nhân từ các thành phố lớn, những điểm nóng về dịch, để bảo đảm nhu cầu đi lại chính đáng của người dân, người lao động được an toàn gắn liền với kiểm soát tốt dịch bệnh.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). (Ảnh: N.H)

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). (Ảnh: N.H)

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đánh giá, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo ngành y tế, phối hợp với các Bộ, ngành khác để triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo có đủ nguồn vaccine tiêm cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung thế giới khan hiếm. Việc tiêm vaccine Covid-19 lần này được đánh giá là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta.

Tuy nhiên, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng, tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa đồng đều tại các địa phương trên toàn quốc, việc thu phí xét nghiệm còn cao…

Đặc biệt, nguồn máy móc, thuốc điều trị, vật tư giai đoạn đầu dịch khan hiếm làm giá tăng cao; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm nên chỉ chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước. Các đại biểu đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cần nêu rõ nguyên nhân của những tồn tại hạn chế trên để có giải pháp khắc phục.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho biết, để thích ứng với đại dịch Covid-19 và đảm bảo quyền học tập của học sinh, sinh viên, Chính phủ đã linh hoạt triển khai các hình thức học tập trực tuyến, học qua truyền hình, các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khai giảng năm học mới phù hợp với yêu cầu giãn cách xã hội; phát động và thực hiện hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Mặc dù vậy, việc triển khai hình thức học trực tuyến còn một số vướng mắc, bất cập cả từ phía nhà trường, giáo viên, học sinh và gia đình, chất lượng khó đảm bảo, có nguy cơ gây ra một số hệ lụy không tốt; đặc biệt, nhiều trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn trong việc tiếp cận học trực tuyến.

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng, từ bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, các cấp, các ngành sẽ tiếp tục có sự đổi mới tư duy, nhận thức phù hợp về phòng chống dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tận dụng được tối đa các cơ hội... để có các phương án, kịch bản phù hợp, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất kinh tế-xã hội của nước trong tình hình mới.

3 điều kiện để thích ứng an toàn với dịch bệnh

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đại biểu Vĩnh Phúc), cho biết, thế giới cuối năm 2021 đầu năm 2022 vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế nên có nhiều bấp bênh và rủi ro. Nhìn chung tăng trưởng kinh tế tại các nước châu Á, Đông Nam Á giảm so với dự kiến, Việt Nam cũng vậy.

Các nước xác định tình hình dịch bệnh còn kéo dài. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho rằng Covid-19 dần sẽ trở thành cúm mùa và không sớm chấm dứt. Cách đây 2 tuần, Australia và New Zealand đã công bố dịch bệnh còn kéo dài và cũng phải chuyển sang thích ứng với dịch bệnh nếu không muốn đứt gãy chuỗi cung ứng. Như vậy, hiện chỉ còn một nước là Trung Quốc giữ mô hình "Zero Covid-19".

"Việc chúng ta chuyển sang tư duy thích ứng an toàn, vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội có thể nói là quyết định rất kịp thời, đúng đắn. Tuy nhiên cũng phải nghiên cứu tình hình các nước sau khi đã quyết định chung sống an toàn với dịch bệnh thì tình hình như thế nào", đại biểu nói.

Trong hai tháng qua, số ca nhiễm đang tăng trở lại tại một số nước chung sống an toàn với dịch bệnh, như Singapore, Israel, Anh. Tuy nhiên, về tổng thể thì số ca nhiễm nặng hoặc tử vong có tỷ lệ rất thấp, với Singapore là 0,2% ca tử vong, và hiện nước này đã có một số điều chỉnh để giảm số ca nhiễm nặng.

"Ví như trước đây họ cho phép tập trung 6 người trong quán ăn thì hiện giờ chỉ cho phép 2-3 người… Như vậy tức là vừa có thể giảm sự lây lan dịch bệnh nhưng cũng vừa triển khai mở cửa tiếp tục thích ứng với dịch bệnh", đại biểu cho biết.

Đại biểu cho rằng, đối với Việt Nam, ưu tiên cao nhất vẫn là phòng chống và kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Tình hình thực tế cho thấy chúng ta có ba điều kiện cơ bản để chuyển sang trạng thái mới hay còn gọi là bình thường mới:

Thứ nhất, độ bao phủ tiêm vaccine. Nhìn chung, các nước có tỷ lệ tiêm chủng trên 70% thì lây nhiễm thấp.

Thứ hai là thuốc điều trị Covid-19. Nhiều nước đang thử nghiệm và chưa có công bố chính thức. Tuy nhiên thuốc Molnupiravir của Mỹ hiện cho thấy hiệu quả cao. Bị nhiễm nặng có thể xuống nhẹ, bị nhẹ có thể khỏi trong 5 ngày. Hiện ta đang hợp tác với Nhật Bản, Israel để nhập và đang phối hợp với Ấn Độ để có thể sản xuất loại thuốc này với giá rẻ hơn rất nhiều.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: N.H)

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: N.H)

Về vấn đề vaccine, đại biểu nói rằng, trên thế giới, muốn tiêm vaccine phủ 70% dân số thì phải cần đến 11 tỷ liều vaccine, tuy nhiên đến giữa năm 2021 thế giới mới sản xuất được hơn 6 tỷ liều và phân phối hơn 4,5 tỷ liều, và có sự tiếp cận không đồng đều. Ở hầu hết các nước châu Phi, tỷ lệ tiêm chủng mới đạt khoảng 3%.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 20/10, số vaccine chính thức về đến Việt Nam là 99 triệu liều, trong đó số mua là 50,6 triệu liều và số vaccine mà các nước viện trợ qua cơ chế COVAX hoặc qua song phương là 34 triệu liều. Từ nay đến hết tháng cuối năm ta sẽ nỗ lực cao nhất để đưa vaccine về Việt Nam như các đối tác đã cam kết.

Tuy nhiên, hiện chúng ta mới tiêm được khoảng 65 triệu liều, do vậy theo đại biểu, cần phải đẩy nhanh tốc độ tiêm trong thời gian tới.

Tổ Công tác ngoại giao vaccine của Chính phủ đang trình kế hoạch mua vaccine cho năm 2022, cộng với vaccine sản xuất trong nước, để chủ động về nguồn cung vaccine, bởi thời gian tới có hai vấn đề đặt ra - đó là tiêm cho trẻ em và trước tình hình hiện nhiều nước đang tiêm mũi tăng cường (mũi thứ ba).

Về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu cho rằng, chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế phải tiếp cận theo cả hai hướng - cung và cầu của nền kinh tế.

"Kinh nghiệm của các nước cho thấy, cần phải có các biện pháp tài khóa kích thích tổng cầu vì sau khó khăn, nhất là sau các đợt dịch bệnh, kinh tế khó khăn, tổng cầu sẽ bị giảm".

Bên cạnh đó, cung cũng quan trọng, nhất là nguồn cung về lao động thiếu hụt do lao động di cư từ các thành phố lớn về các địa phương. Tình trạng này đã xảy ra tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Ngoài ra, cũng cần cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính vì đây là lúc bộc lộ “điểm nghẽn”; hoàn thiện thể chế đất đai, vốn, lao động, khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh; huy động nguồn lực bên ngoài, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài...

Đại biểu cũng cho biết, thời gian qua có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi ra Việt Nam. Điều này là không đúng.

“Chúng tôi đã trao đổi với một số tập đoàn như Adidas, Apple…, họ nói Việt Nam thời gian qua đã đóng cửa một thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được nên họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi. Tuy nhiên, hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng".

Cũng theo đại biểu, một số tập đoàn như Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký với các nước và đối tác.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bui-thanh-son-3-dieu-kien-co-ban-de-thich-ung-an-toan-linh-hoat-voi-dich-benh-162401.html