Đại biểu Quốc hội: Cần giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc tình trạng giá vàng 'nhảy múa'

Đại biểu Quốc hội nêu vấn đề giá vàng 'nhảy múa', tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Có phải do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường? Nếu đúng thế thì cần phải có giải pháp căn cơ để giải quyết tận gốc tình trạng này.

Vấn đề quản lý thị trường vàng và biến động giá vàng được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào sáng ngày 23/5.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) băn khoăn về đấu thầu vàng, bởi vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng để tăng nguồn cung cho thị trường nhưng lại xảy ra nghịch lý cứ sau đấu thầu thì giá vàng lại tăng.

“Vì giá sàn cao nên doanh nghiệp trúng thầu phải bán giá cao hơn. Do vậy, sắp tới có thể áp dụng đấu thầu ngược như đơn vị nào mua vàng xong bán sát giá tham chiếu nhất sẽ trúng thầu. Về dài hạn phải sửa Nghị định 24”, ông Cường nói.

2 nhà băng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng "lọt" tầm ngắm thanh tra của liên Bộ: Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Công Thương.

2 nhà băng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng "lọt" tầm ngắm thanh tra của liên Bộ: Ngân hàng Nhà nước, Tài chính, Công Thương.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) nhận xét các biện pháp để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới đang không hiệu quả. Đặc biệt là việc đấu thầu vàng miếng lại càng hâm nóng thị trường vàng lên.

Theo đại biểu, nguyên nhân có thể là do cách thức làm vừa rồi không rõ mục tiêu. Bởi giá vàng đem ra đấu thầu gần sát với giá thị trường chứ không phải là giá vàng thế giới.

Để kéo giá vàng trong nước sát giá thị trường thế giới, ông Lâm đề nghị phải tính đúng, đủ giá thành của vàng trong nước làm giá khởi điểm đấu giá. Cụ thể là lấy giá vàng của thế giới quy đổi ra tiền Việt cộng với các chi phí nhập khẩu và các chi phí khác để ra giá khởi điểm đấu giá.

“Vừa qua, mang vàng ra đấu thầu mà giá sàn bỏ thầu sát với giá thị trường Việt Nam. Chúng ta muốn bán vàng với giá cao để thu về nhiều tiền hay đấu giá để ổn định thị trường, ổn định tâm lý người dân?”, đại biểu Trần Văn Lâm đặt câu hỏi.

Trong thời gian qua, nguồn cung vàng trở nên khan hiếm, chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới có thời điểm lên gần 20 triệu đồng/lượng, các đại biểu đặt vấn đề: Đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân, mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi?

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, sự bất ổn gần đây của thị trường vàng từ quốc tế tới trong nước thực sự đã gây tác động tiêu cực và ngoài dự tính tới thị trường ngoại tệ và tỷ giá VND/USD.

Điều mà nhiều người băn khoăn là thực chất nhu cầu nắm giữ vàng trong nước tăng đột biến đến từ ai và do đâu? Đại biểu đặt câu hỏi, liệu có phải đây chủ yếu là do một nhóm lợi ích với các hành vi phi pháp như tẩu tán tài sản, đầu cơ gây rối loạn thị trường? "Nếu đúng thế thì cần có giải pháp căn cơ. Theo dõi ở nhiều diễn đàn, tôi chưa tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này", đại biểu Hà Sỹ Đồng nói.

Góp ý về thị trường vàng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh phải có giải pháp để giải quyết tận gốc vấn đề, tình trạng giá vàng nhảy múa, biến động, có giai đoạn tăng cao so với giá vàng thế giới. Dù có nguyên nhân khách quan nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có những thời điểm tăng rất lớn. Đây cũng là lý do khiến tình trạng buôn lậu vàng nhiều hơn.

SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, TPBank, Eximbank "lọt" tầm ngắm thanh tra của liên Bộ

Liên quan đến kế hoạch thanh tra thị trường vàng, chiều nay (23/5), Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định thanh tra.

Cụ thể, danh sách thanh tra về hoạt động kinh doanh vàng bao gồm 6 ngân hàng và doanh nghiệp là: TPBank, Eximbank, SJC, Doji, PNJ, Bảo Tín Minh Châu.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành thanh tra trong 45 ngày với 3 nội dung gồm: việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền; chấp hành các quy định pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ về kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2020 đến ngày 15/5/2024. Trong trường hợp cần thiết có thể thanh tra trước hoặc sau thời kỳ trên.

Theo ông Phạm Quang Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hoạt động thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 25 và các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Trong quá trình thanh tra, Ngân hàng Nhà nước có thể bổ sung thêm đối tượng thanh tra và nội dung thanh tra nếu cần thiết.

Song song đó, Phó Thống đốc yêu cầu Đoàn Thanh tra và các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Đoàn thanh tra tập trung làm rõ hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) và kiến nghị, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Trưởng đoàn Thanh tra phải báo cáo Người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định chuyển ngay sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, cơ quan điều hành sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp, tăng cung vàng miếng SJC, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế với những cách tiếp cận mới để đạt được kết quả một cách bền vững.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/dai-bieu-quoc-hoi-can-giai-phap-can-co-de-giai-quyet-tan-goc-tinh-trang-gia-vang-nhay-mua-1099978.html