Đại biểu Quốc hội: Cần phát triển du lịch biển với các sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng cần phát triển ngành du lịch biển với các sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao, đặc thù, đặc sắc theo từng khu vực, địa phương.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Phát triển ngành du lịch biển với các sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao

Phát biểu về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết Năm 2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 26 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đại biểu, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, nhất là về kinh tế biển và quốc phòng, an ninh biển đảo. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tập trung xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tạo cơ sở pháp lý để các địa phương trong vùng liên kết, hợp tác, điều phối, phân công rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ trên cơ sở chuyên môn hóa cao, phù hợp với lợi thế so sánh của các địa phương và các tiểu vùng. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Bên cạnh kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, đại biểu cho rằng cần phát triển ngành du lịch biển với các sản phẩm du lịch văn hóa chất lượng cao, đặc thù, đặc sắc theo từng khu vực, địa phương.

Cùng với đó, bên cạnh nâng cao năng lực phòng thủ, cần nâng cao năng lực kinh tế biển, năng lực kinh tế cho các huyện đảo.

Hiện nay kết cấu hạ tầng trên các huyện đảo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, đại biểu cho rằng cần đầu tư đột phá hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, kết nối bờ, biển, đảo như cảng biển, sân bay, đường bộ, điện lưới thông tin liên lạc... Để làm được điều này, rất cần cơ chế đặc thù cho các huyện đảo vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ để ưu tiên nguồn lực đầu tư, bởi ngoài chức năng là một đơn vị hành chính, các huyện đảo còn liên quan đến vai trò là điểm xác lập đường cơ sở chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chính sách đó đến với người dân và doanh nghiệp như thế nào và hấp thụ được bao nhiêu tháo gỡ được những gì mới là vấn đề quan trọng.

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Trên thực tế, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền, dẫn đến sự trì trệ, là lực cản lớn nhất hiện nay cho sự phát triển.

Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị Chính phủ cần tiếp tục và tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản thị, trường xuất nhập khẩu; Đồng thời các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn nhằm phát huy vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong động lực phát triển của các nguồn lực, các lĩnh vực mà khu vực nhà nước không làm hoặc không làm được.

Quang cảnh buổi thảo luận chiều 1/11

Quang cảnh buổi thảo luận chiều 1/11

Cùng với đó, trong lĩnh vực đầu tư, ưu tiên tập trung nguồn lực tài chính quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư của nền kinh tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chiến lược quan trọng quốc gia, hạ toàn giao thông liên vùng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng xanh, hạ tầng số gắn với triển khai nhanh và hiệu quả quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, để tạo tác động lan tỏa, tạo động lực mới cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, việc huy động phân bổ về sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công.

Đại biểu cho rằng, năng suất lao động quốc gia tuy có cải thiện nhưng chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng, vì vậy Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình và sớm có đề án chính sách tổng thể có tính chiến lược nâng cao năng suất lao động quốc gia, gắn với cơ cấu là nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ cao, trình độ cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số…

Xuân Trường - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-phat-trien-du-lich-bien-voi-cac-san-pham-du-lich-van-hoa-chat-luong-cao-20231101154431756.htm