Đại biểu Quốc hội cảnh báo lừa đảo trực tuyến ngày càng nhức nhối

Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Vấn đề lừa đảo trực tuyến gia tăng được các thành viên Chính phủ giải trình.

Quốc hội chiều 23-5

Quốc hội chiều 23-5

Theo báo cáo, đến nay có 2.210/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri (đạt 99,7%). Như vậy, các kiến nghị đã được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên, các đại biểu (ĐB) đều cho rằng, nhiều kiến nghị của cử tri gửi đến các bộ, ngành đã được các bộ, ngành tiếp thu, xem xét giải quyết nhưng trong thời gian dài vẫn chưa có kết quả. Nhiều ĐB đề nghị cần bổ sung quy định về hậu giám sát đối với việc giải quyết các kiến nghị của cử tri để kịp thời yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý những vấn đề mới phát sinh.

ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) phản ánh, từ 1-7-2024 thực hiện điều chỉnh tiền lương, nhiều nhà giáo kiến nghị triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nền giáo dục tới đây cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.

 Đại biểu Dương Minh Ánh - Hà Nội

Đại biểu Dương Minh Ánh - Hà Nội

Nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương từ 1-7-2024 chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng, thậm chí còn thấp hơn so với lương hiện nay của nhà giáo. Điều này sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh để hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Hải Dương

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề cập đến vấn đề lừa đảo trực tuyến đang nhức nhối hiện nay. Số vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng nhiều với số nạn nhân và số tiền ngày càng lớn. Không hiếm vụ nạn nhân đã bị lừa mất tiền tỷ, thậm chí bị lừa mất nhiều tỷ đồng.

“Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng quyết liệt hơn nữa trong công tác phối hợp phát hiện, xử lý triệt phá loại tội phạm này. Đặc biệt với thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, tội phạm thường sử dụng số tài khoản ngân hàng và số thuê bao điện thoại không chính chủ để liên hệ và nhận tiền. Bộ TT-TT cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa và mạnh mẽ hơn nữa trong việc rà soát, xử lý và quản lý sim rác. Tương tự, ngành ngân hàng cần xử lý những tài khoản ngân hàng không chính chủ”, ĐB Việt Nga phát biểu. Theo ĐB, khi xử lý được sim rác và số tài khoản ngân hàng không chính chủ thì chắc chắn loại tội phạm này cũng sẽ giảm.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng

Phát biểu giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, về một số tài khoản không chính chủ thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, thời gian qua, NHNN đã thực hiện một số giải pháp ngăn chặn và hạn chế tình trạng này; đã ban hành các quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán.

Hiện đã có quy định rất chặt chẽ khi người dân mở tài khoản tại ngân hàng phải sử dụng căn cước công dân có gắn chip; trường hợp không có căn cước công dân gắn chip phải đến trực tiếp mở tài khoản để xác định chính chủ. NHNN cũng đã ban hành quyết định yêu cầu áp dụng các biện pháp xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị trên 20 triệu đồng/ngày, giúp hạn chế việc sử dụng tài khoản không chính chủ để có hành vi vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, NHNN cũng chỉ đạo toàn ngành tăng cường công tác phòng chống, ngăn ngừa hành vi gian lận trong việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải triển khai các giải pháp theo dõi việc giao dịch; kiểm soát đánh giá trong và sau khi khách hàng mở tài khoản để kịp thời phát hiện những tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ, để có giải pháp phù hợp. NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán, làm sạch dữ liệu để hạn chế tình trạng tài khoản không chính chủ…

 Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nói rõ thêm, vấn đề lừa đảo trực tuyến đang diễn ra trên diện rộng, không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, như một hệ lụy của chuyển đổi số. Để giải quyết vấn đề này, tuyên truyền vẫn là giải pháp quan trọng hàng đầu và có tính lâu dài.

Theo Bộ trưởng, lừa đảo trực tuyến được thực hiện qua sim rác, sim không chính chủ. Do đó, Bộ TT-TT đã quyết liệt thực hiện các biện pháp rà soát, phát hiện, xử lý sim rác, sim không chính chủ để hạn chế tình trạng lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, bộ cũng thực hiện sáng kiến gán nhãn xanh cho các trang web của cơ quan nhà nước, để tránh giả mạo; thiết lập các đầu mối để tiếp nhận phản ánh về vấn đề lừa đảo qua mạng.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-canh-bao-lua-dao-truc-tuyen-ngay-cang-nhuc-nhoi-post741295.html