Đại biểu Quốc hội chỉ rõ 5 'chiêu trò lách luật' trong đấu thầu

Qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn) chỉ rõ 5 'chiêu trò lách luật' phổ biến trong hoạt động này. Đáng chú ý là tình trạng thiết lập liên minh 'quân xanh, quân đỏ' để thông thầu, vây thầu và tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu… tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, trục lợi.

Tập trung điều tra mảng đấu thầu

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Cho ý kiến tại hội trường, nhiều đại biểu đề nghị tập trung đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm gây bức xúc trong xã hội, tội phạm tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan công quyền, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài nhà nước có yếu tố móc nối với nhà nước để tiêu cực và các lĩnh vực khác như: quản lý, sử dụng đất đai, đấu thầu, đấu giá...

Qua theo dõi các vụ án, vụ việc liên quan đến hoạt động đấu thầu thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Kạn) phản ánh 5 “chiêu trò lách luật” phổ biến trong hoạt động này.

Đó là tình trạng chia nhỏ các gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu; cài cắm các điều khoản hướng thầu để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”; thiết lập liên minh “quân xanh, quân đỏ” để thông thầu, vây thầu; tình trạng móc ngoặc với thẩm định giá để nâng khống giá trị gói thầu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực khác trong hoạt động đấu thầu.

“Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật, tình trạng lách các quy định pháp luật trên đều có thể tiềm ẩn hoặc hướng tới nguy cơ tham nhũng, trục lợi... Đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, trục lợi. Liên tiếp các vụ việc sai phạm trong đấu thầu vừa qua bị khởi tố đã phản ánh một phần thực tế này”, bà Thủy nhấn mạnh.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Từ đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy kiến nghị các cơ quan thanh tra tập trung điều tra, truy tố, xét xử liên quan mảng đấu thầu, nhất là đối với những vụ việc dư luận có nhiều phản ánh để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

“Bên cạnh đó, công khai sẽ được xem là giải pháp của mọi giải pháp, sẽ rất hữu hiệu để khắc phục tình trạng đi đêm trong đấu thầu vừa qua. Pháp luật hiện hành trong từng công đoạn đấu thầu đã có một số quy định về công khai nhưng chưa chặt chẽ, thậm chí còn những khoảng trống, kẽ hở dẫn đến việc có thể lách luật như trong thời gian vừa qua”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nêu ý kiến.

Quan tâm chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai

Cũng cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội).

Đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội).

Bởi theo đại biểu Hoàn, thông qua việc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, các tổ chức, cá nhân sai phạm có thể thu được những lợi ích rất lớn về kinh tế mà thực tiễn trong thời gian qua đã cho thấy.

“Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng. Và ngược lại, nếu chúng ta thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai, cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm”, đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu ý kiến.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét việc thành lập các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo vùng trực thuộc cơ quan Trung ương đóng tại địa phương.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Quốc hội)

Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội) phản ánh, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách bóp chặt. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc thì còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Do vậy, cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội.

“Phòng, chống tham nhũng chỉ có thể làm được tốt hơn, hiệu quả hơn khi có sự vào cuộc của cả xã hội, nhất là của nhân dân và của quần chúng. Do đó, cần phổ biến chính sách pháp luật nhiều hơn, rộng hơn; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan, nhất là cơ quan dân cử các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chi-ro-5-chieu-tro-lach-luat-trong-dau-thau-148450.html