Đại biểu Quốc hội cho rằng làm 9-10 tiếng quanh năm thì không có hạnh phúc gia đình
Tiếp tục thảo luận tại hội trường về Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu đã liên tục đưa ra những ý kiến tranh luận sôi nổi.
Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đã đưa ra các thông tin về quá trình các nước trên thế giới đấu tranh giảm giờ làm, còn 8 giờ/ngày, thậm chí doanh nhân người Mỹ Henry Ford qua nghiên cứu nhận thấy giảm giờ làm nhưng không giảm năng suất mà còn tăng, nên chỉ làm 5 ngày/tuần. Sau đó Mỹ có Luật tuần làm 40 giờ. Theo xu hướng đó, các nước chuyển từ 48 giờ sang 40 giờ/tuần. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nói: “Cuộc tranh luận sau này thì kết luận làm từ 40 giờ trở lên không đem lại hiệu quả lâu dài, vì năng suất không tăng”.
Cũng theo Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân: "Ở nước ta, từ năm 1999 chuyển sang làm việc 5 ngày/tuần, chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ. Hiện nay ở nước ta có hai nhóm người: làm cho nhà nước lao động 5 ngày/tuần; làm cho doanh nghiệp 6 ngày/ tuần, với 48 giờ/tuần. Như vậy là không bình đẳng, trong khi các nước không tách riêng công chức và công nhân như ở nước ta.
Từ sau năm 2000, các nước trên thế giới đã giảm dần giờ làm trong tuần, như ở Hàn Quốc làm 40 giờ; Đức còn hơn 26 giờ, trong khi nền kinh tế của quốc gia này đứng thứ 4 thế giới, đứng đầu Châu Âu."
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng, nước ta nên có lộ trình chuyển từ 48 giờ làm xuống 40 giờ làm trong 10 năm, trước mắt có thể xuống 44 giờ, đến 2030 giảm xuống 40 giờ và so với thế giới nếu làm được như vậy cũng đã chậm 80 năm. Mặc dù khẳng định làm thêm giờ, trong ngắn hạn, người sử dụng lao động có thêm lợi nhuận, người lao động có thêm thu nhập nhưng cũng theo ông Nguyễn Thiện Nhân, sức khỏe người lao động sẽ giảm sút, năng suất lao động không tăng.
"Người Việt Nam muốn gì? Ngoài mong muốn có thêm thu nhập việc làm, có nhà, thì có đến hơn 95% ý kiến mong muốn gia đình hòa thuận, con cháu ngoan, tiến bộ. Cứ làm một ngày 9-10 tiếng quanh năm thì không có gia đình hạnh phúc đâu! Thế giới đã bỏ quy định này từ lâu” – Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định rằng: "Nói người lao động tự nguyện làm thêm thì chỉ đúng một phần. Bởi nếu một dây sản xuất mà có tới một nửa nghỉ làm thì sẽ không hoàn thành sản phẩm. Do đó, muốn tăng năng suất lao động thì phải sử dụng công nghệ mới, giảm giờ làm."
Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) cho rằng đã tăng tuổi nghỉ hưu là kéo dài thời gian lao động của người lao động, mặt khác lại tăng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm từ 300 giờ đến 400 giờ, như vậy đã hai lần kéo dài thời gian làm việc.
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh: "Để thể chế đường lối của Đảng, chủ động với vấn đề già hóa dân số và ứng phó với thị trường lao động thì việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên là phù hợp."
Trước ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội về việc giảm thời giờ làm việc bình thường xuống còn 44 giờ/tuần hoặc 40 giờ/tuần, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, có thể áp dụng khoản 4 Điều 105 dự thảo Bộ luật quy định Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng tuần làm việc 40 giờ và khoản 5 Điều 105 quy định giao cho Chính phủ có lộ trình phù hợp để giảm thời gian lao động xuống dưới 48 giờ/tuần.