Đại biểu Quốc hội: Có hiện tượng cán bộ cấp xã ở miền núi phải nghỉ việc vì lương không đủ sống
Trong thời gian gần đây có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác... Nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với nhân dân bằng tiếng dân tộc.
Đó là thông tin phản ánh của đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn), trong phiên thảo luận của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Bày tỏ tán thành và đánh giá cao báo cáo giám sát kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Đoàn giám sát của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, ngày 30/10, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) cũng đề cập tới những nội dung cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho biết, đất nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với sự phát triển rất phong phú, đa dạng của các ngành khoa học. Việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới.
Thế nhưng, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa, còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại...
Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng đây là sự thiệt thòi vô cùng lớn của những người dân sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế cũng nêu thực tế là, hiện nay, tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước đều được triển khai ở cơ sở để đến với nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đầu mối để triển khai thực hiện, hướng dẫn nhân dân thu thập thông tin, tổng hợp và báo cáo tiến độ, hiệu quả của các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn nói riêng.
“Đây cũng là đội ngũ gần dân, sát dân, hiểu dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian gần đây có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác...”, bà Huế phản ánh.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đại biểu Nguyễn Thị Huế, là do áp lực của cán bộ, công chức cấp xã rất lớn, số lượng người ít, nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện và có rất nhiều việc mới, việc khó. Bên cạnh đó, tiền lương của đội ngũ này rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực thì hầu như không có phụ cấp khác...
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, nếu không có giải pháp sớm để khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với nhân dân bằng tiếng dân tộc. Đồng thời có thể sẽ thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...
Quan tâm đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn tỉnh Tây Ninh) đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xác định chỉ tiêu rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn dự án và các bước thực hiện tiếp theo.
Bà Thúy nói: “Trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa? Vì tôi có cảm nhận rằng nhiều tiêu chí không phải thể hiện mục tiêu, ý nghĩa cần đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nông thôn mới, mà đang lấy phương tiện, cách thức thực hiện để làm tiêu chí. Chính vì vậy, dẫn đến việc vừa rập khuôn, cứng nhắc cho các địa phương mà kết quả cũng còn hình thức.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được; còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt đến chỉ tiêu.
“Đơn cử, thực tế có những xã, bộ mặt nông thôn mới khang trang hơn nhưng đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn, vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ở một số địa phương, mặc dù tiêu chí nông thôn mới không đạt được một số chỉ tiêu nhưng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; người dân hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình”, bà Thúy nêu dẫn chứng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy đề nghị phải coi trọng tiêu chí đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia và coi đây là cơ sở để đánh giá kết quả của chương trình.