Đại biểu Quốc hội đề nghị sớm có dự án luật phòng chống dịch

Nhiều đại biểu Quốc hội yêu cầu ban hành các dự án luật phục vụ mục tiêu kép vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, vừa phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm hiệu quả hội nhập quốc tế.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội và vẫn còn nhiều tồn tại bên cạnh những thành quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội và vẫn còn nhiều tồn tại bên cạnh những thành quả. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chiều 21/7, tiếp tục chương trình nghị sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục-Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kêvào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp; lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Sau khi điều chỉnh, bổ sung như trên, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021): Thông qua 01 dự thảo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021): Thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại 1 kỳ họp; cho ý kiến 5 dự án luật khác.

Dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): Thông qua 5 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 05 dự án luật khác. Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): Thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng đối với từng đề nghị trên cơ sở hồ sơ của Chính phủ, ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính khả thi của Chương trình, sát với yêu cầu thực tế để lập dự kiến Chương trình trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, qua công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đề nghị dự kiến Chương trình năm 2022 của Chính phủ so với các năm trước còn ít dự án, nhất là các dự án để gối tiếp sang năm 2023. Trong khi đó, qua rà soát cho thấy, còn rất nhiều dự án cần được đưa vào Chương trình để kịp thời thể chế hóa các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội; trình lại các dự án đã được đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị; các dự án để khắc phục sự chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Các vị đại biểu Quốc hội trong ý kiến thảo luận đều thể hiện sự đồng tình, tán thành với nội dung xây dựng luật, pháp lệnh mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) đề xuất chú trọng nâng cao kỹ năng xây dựng luật… cho đại biểu, nhất là đại biểu trúng cử lần đầu, nâng cao hơn nữa kỹ năng phản biện chính sách của các đại biểu, cần coi trọng lấy ý kiến của các hiệp hội, người dân từ đó có sự phân tích, tiếp thu, cần thiết thì phải lập nhóm chuyên gia, có sự đầu tư nguồn lực khi xây dựng các dự án luật. Đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao Chính phủ chuẩn bị các Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Luật Đầu tư công… khi nảy sinh những vấn đề mới trong xã hội.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị Chính phủ, Bộ Ngoại giao quan tâm đến luật pháp về hội nhập, bổ sung vào chương trình lập pháp 2022 việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại từ năm 2010 và đã có nhiều lạc hậu; nâng cấp Nghị định hòa giải thương mại lên thành luật. Đại biểu Nghĩa cho rằng, cần mạnh dạn xã hội hóa, huy động sức dân để làm luật, không nên lãng phí trí tuệ, tri thức của các chuyên gia trong xã hội, nhất là trong khâu soạn thảo.

Cùng ý kiến với nhiều đại biểu, ông Lê Xuân Thân (Đại biểu Quốc hội Đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh công tác xây dựng luật nên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nên xem xét sớm Luật về phòng bệnh và nâng cao sức khỏe người dân, Luật về tình trạng khẩn cấp.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) khẳng định công tác lập pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Quốc hội và vẫn còn nhiều tồn tại bên cạnh những thành quả. Công tác lập pháp nên dành thời gian thảo luận nhiều hơn ở kỳ họp tới, cần đầu tư nguồn lực cho công tác này.

“Trong những tháng gần đây, Thủ tướng Chính phủ dành nhiều thời gian làm việc với các địa phương, bộ, ngành, yêu cầu rà soát những chồng chéo, phải sửa đổi ngay. Đại biểu Quốc hội rất đồng tình với Thủ tướng và mong sớm nhận được báo cáo rà soát. Những báo cáo này khi được đưa vào báo cáo làm luật sẽ sát với thực tế hơn”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cho biết việc chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là sự tiếp nối nhất quán của Chính phủ cũ và mới. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ có một số dự án luật được Chính phủ tiếp tục bổ sung vào chương trình, riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ đưa dự án luật này vào chương trình là sự cố gắng rất lớn.

Về phòng chống dịch COVID-19, Chính phủ và các bộ, ngành đang làm hết sức, một số việc cần xử lý trong thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ đã sẵn sàng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội một số luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh.

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-som-co-du-an-luat-phong-chong-dich/439198.vgp