Đại biểu Quốc hội đề xuất giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Giai đoạn 2016-2020 kết quả giảm nghèo của Việt Nam vượt mục tiêu đề ra với tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao, do đó cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang).

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang).

Giai đoạn 2016-2020 kết quả giảm nghèo của Việt Nam vượt mục tiêu đề ra với tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 5%. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, tỷ lệ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới còn cao, do đó cần những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Giảm nghèo giai đoạn 2016-2019 đạt kết quả ấn tượng nhưng chưa bền vững

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 4-11, các đại biểu Quốc hội: Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đều đưa ra nhận định qua sáu năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã góp phần ổn định, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững.

Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự thay đổi tích cực, qua các năm thực hiện đã có xấp xỉ 1,4 triệu hộ trên tổng số 2,3 triệu hộ nghèo đã được thoát nghèo, chiếm khoảng 58%, đạt tỷ lệ Quốc hội giao. Cách thức tiếp cận và giải quyết vấn đề đói nghèo ở nước ta đã được các đối tác phát triển và cộng đồng quốc tế ghi nhận và được nhiều nước tham khảo.

Cụ thể, kết quả giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2019 đạt những con số ấn tượng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm đều qua các năm, từ 9,88% cuối năm 2015 giảm còn 3,75% ở cuối năm 2019, bình quân trong bốn năm đều giảm 1,53%/năm. Tại các huyện nghèo cũng giảm đều qua các năm, từ 50,43% vào cuối năm 2015 giảm còn 27,85% vào cuối năm 2019, bình quân trong bốn năm giảm 5,65%/năm.

Những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chấm dứt mọi hình thức người nghèo ở mọi nơi. Tỷ lệ nghèo dù tính theo chuẩn cũ hay mới trong cả giai đoạn 2011-2020 đều giảm mạnh.

“Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo một số nơi chưa thật bền vững, chưa đồng đều, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên, tỷ lệ nghèo tại các huyện nghèo vẫn còn hơn 50%”, đại biểu Ma Thị Thúy cho biết.

Bên cạnh đó, mặc dù các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân là 4%/năm, nhưng tỷ trọng bình quân hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên tổng số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ còn rất cao 58,53%.

Theo đại biểu Đinh Công Sỹ, trong thời gian tới dịch bệnh và thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất có thể diễn biến phức tạp hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn... chính là những thách thức vô cùng lớn đối với những thành quả của công cuộc giảm nghèo vốn chưa được bền vững. Do đó, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và những giai đoạn tiếp theo, cũng như đạt những mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế.

Quang cảnh phiên thảo luận ngày 4-11.

Quang cảnh phiên thảo luận ngày 4-11.

Các giải pháp cần hướng đến đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân

Theo đại biểu Ma Thị Thúy, nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện giảm nghèo thời gian qua là do điều kiện kinh tế - xã hội của các khu vực miền núi có xuất phát điểm thấp, mặt bằng dân trí nói chung còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa bảo đảm, chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, các rào cản về ngôn ngữ, trình độ giao tiếp, văn hóa và tâm lý của người bản địa ở từng khu vực.

“Đây là nguyên nhân ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện các hoạt động phát triển sản xuất, đào tạo, hỗ trợ việc làm, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở vùng có điều kiện khó khăn”, đại biểu Ma Thị Thúy phân tích.

Để chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 triển khai thực hiện có hiệu quả ở những khu vực này, đại biểu Ma Thị Thúy cho rằng cần tiếp tục tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội, như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả.

Đồng thời tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.

Bên cạnh đó, cần thực hiện phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương, lấy ý kiến nhân dân và tình hình thực tế để chủ động bố trí ngân sách giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo mục tiêu của các chương trình đã đề ra.

Về giải pháp, đại biểu Đinh Công Sỹ cũng cho rằng cần xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Việc lồng ghép sẽ giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân.

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La).

Đại biểu Quốc hội Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La).

Đáng chú ý, đại biểu cho rằng giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ cần phải được quan tâm một cách thích đáng, coi đó là giải pháp cơ bản để đẩy nhanh, đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giải quyết giảm nghèo cho phù hợp.

Góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng để giảm nghèo bền vững, chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo thì đào tạo việc làm là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. Do đó, trong các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

NGUYÊN MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-giai-phap-thuc-hien-giam-ngheo-ben-vung-giai-doan-2021-2025-623202/